Sâm Ngọc Linh - 'Quốc bảo' tạo sinh kế cho dân
- Chủ nhật - 23/09/2018 11:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại đỉnh Ngọc Linh, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng được gần 500 ha sâm Ngọc Linh. Không những bảo tồn, công ty đã có những cách làm riêng giúp dân trong vùng phát triển kinh tế.
Tạo sinh kế cho dân
Những ngày giữa tháng 9, niềm vui liên tiếp đến với người dân trên đỉnh Ngọc Linh khi Thủ tướng đến thăm vùng trồng sâm ở “thánh địa”. Cùng đó, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trao tặng gần 50.000 cây giống sâm Ngọc Linh có giá trị gần 15 tỷ đồng cho người dân ở trong vùng chỉ dẫn địa lý của 2 huyện Tumơrông và Đăk Glei. Đây là năm thứ 7 liên tiếp công ty cấp giống cho dân nghèo trong vùng phát triển sâm Ngọc Linh.
“Việc cấp sâm giống cho dân, chúng tôi mong muốn thay đổi tập quán phát nương làm rẫy, thay đổi ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng để trồng cây dược liệu và sâm Ngọc Linh. Hiện công ty đang phối hợp với chính quyền các cấp vận động bà con tham gia dự án Trồng sâm Ngọc Linh gắn với bảo vệ phát triển rừng.” ông Trần Hoàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum khẳng định.
Đến nay, công ty đã ký hợp đồng liên kết trồng sâm Ngọc Linh với 300 hộ dân ở 20 thôn của 3 xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây của huyện Tumơrông. Theo đó, người việc trả lương, cung cấp lương thực, thực phẩm và quần áo, hàng năm công ty còn cấp miễn phí mỗi hộ dân 100 cây giống (trị giá 30 triệu đồng) để người dân tự trồng sâm trên quỹ đất của công ty đang quản lý. Sản phẩm khi thu hoạch đều thuộc về người dân.
“Cấp giống mà không giám sát, quản lý thì hỏng. Người dân trồng mà không chăm sóc, bảo quản, chỉ một thời gian cây sẽ chết. Sau 20 năm chúng tôi đã từng bước hoàn thiện quy trình gieo ươm, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh”, một cán bộ kỹ thuật công ty thừa nhận.
Theo anh A Liêm ở làng Pu Tá xã Măng Ri huyện Tumơrông cho biết: Nhờ công ty cấp giống nên gia đình cũng đã trồng được một ít diện tích. Những hạt mần giống đầu tiên do công ty cung cấp cũng đã cho hạt. Hiện chúng tôi chỉ trồng, lấy hạt để mở rộng diện tích, chưa bán củ tươi. Khi lá sâm rụng, chúng tôi có thể gom bán. Hiện cuộc sống gia đình vẫn ổn định vì ngoài cấp giống, công ty còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho dân.
Theo người dân ở đỉnh Ngọc Linh, hiện việc kiếm nguồn giống sâm Ngọc Linh ở tự nhiên là rất khó. Giá giống mỗi cây sâm tăng cao, khoảng 300 nghìn nhưng không có mua. “Sâm quý nên người dân vào rừng tìm nhưng có khi đi một tuần nhưng cả đoàn từ 5 - 7 người không kiếm được 1 cây. Những năm qua, chúng tôi chỉ chờ đợi, lấy giống chủ yếu là công ty hỗ trợ. Từ cây giống được cấp, cùng sự hỗ trợ, hướng đẫn của công ty, người dân tự tin có thể vững tin về tương lai” anh A Chung ở làng Đăk Dơn xã Măng Ri thừa nhận.
Vui mừng trước quà quý từ Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh mang đến cho người dân khi tặng gần 50.000 cây giống, ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tumơrông yêu cầu chính quyền các cấp, các tổ liên kết giám sát người dân sử dụng cây giống hợp lý, trồng đúng cách để mang lại hiệu quả cao, góp phần giúp dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Chọn lối đi riêng
Những ngày cuối tháng 9 này, khi cây sâm Ngọc Linh bắt đầu quá trình ngủ đông (rụng lá) tại “thánh địa” sâm, hàng triệu cây mới đã vươn chồi xanh.
“Bảo vệ gene là tối quan trọng. Quan điểm của chúng tôi là chỉ sử dụng cây giống được ươm từ hạt tự nhiên. Diện tích vườn sâm của công ty nói không với giống sâm khác vào khu vực mình quản lý để trồng, kể cả nuôi cấy mô vì chưa kiểm định chất lượng. Đưa giống khác vào trồng sẽ làm mất giá trị đặc hữu cây giống gốc tự nhiên. Sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum khi ra thị trường phải cao hơn sản phẩm sạch. Đó là sản phẩm của thiên nhiên, không lai ghép, lai tạp” ông Trần Hoàn khẳng định.
Hiện tại giá của sâm Ngọc Linh củ giao động từ 65 - 120 triệu đồng/kg (tùy vào tuổi cây), giá lá sâm khô khoảng 35 triệu đồng/kg, mức giá quá cao so mặt bằng thu nhập chung của người dân. Đây là trở ngại lớn để loại sâm quý, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh có thể tiếp cận được mọi người tiêu dùng.
Trước thực tế trên, ông Trần Hoàn cho biết, để hạ giá thành, cần phải phát triển mạnh diện tích trồng. Bên cạnh đó, công ty đang chuẩn bị tung ra thị trường nhiều sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh như trà lá sâm K5, Dịch chiết sâm K5, rượu sâm… Việc nghiên cứu sẽ kéo dài để có thể cho ra nhiều sản phẩm đặc trưng khác để sâm Ngọc Linh có thể đến tới mọi người tiêu dùng.
Trong khi đó, tỉnh Kon Tum dự kiến giành quỹ đất rộng từ 2.000 - 2.500 ha cho dân liên kết với doanh nghiệp trồng sâm. Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, nếu dân liên kết với doanh nghiệp trồng sâm thì nhà nước hỗ trợ 1 ha 50 triệu để doanh nghiệp ươm giống, liên kết dân trồng.
“Nếu đưa tiền cho dân, dân tự lấy giống trồng nhưng chính quyền không kiểm soát được chất lượng nguồn gốc giống. Riêng sâm Ngọc Linh trồng, người dân phải liên kết với 2 doanh nghiệp đã được kiểm định chất lượng nguồn gốc cây giống đó là Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô” ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết thêm.
Hiện sâm Ngọc Linh đã là Quốc bảo, đây là điều kiện thuận lợi để loại sâm quý, đặc hữu của núi Ngọc Linh bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàn, cây sâm Ngọc Linh là loại cây mới, trồng lâu năm, ít nhất 6 năm mới khai thác. Suất đầu tư mỗi ha từ 8 - 10 tỷ đồng nhưng người trồng sâm khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. “Cần có một chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân trồng sâm Ngọc Linh, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn để phát triển.
Trước mắt, cần bổ sung cây sâm Ngọc Linh vào danh mục các loại cây dược liệu được chứng nhận quyền sở hữu” ông Trần Hoàn kiến nghị. Riêng với gần 500 ha sâm Ngọc Linh có giá trị hàng nghìn tỷ đồng, suốt 20 năm qua, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đã phải “tự bơi” bằng vốn riêng của mình, công ty chưa tiếp cận bất kỳ nguồn tiền nào từ các tổ chức tín dụng.
“Nhiều lúc, khi khó khăn công ty nợ 3 - 4 tháng lương của công nhân nhưng chúng tôi vẫn quyết không bán sâm củ. Chúng tôi phải bảo tồn và phát triển mạnh nguồn gene quý này” ông Trần Hoàn khẳng định về quyết tâm của doanh nghiệp khi trồng sâm.