Săn cá bống tượng giống
- Thứ năm - 05/06/2014 21:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trông chờ con nước
Thức dậy từ sớm, chuẩn bị xong chừng 30 cái lọp và mồi dụ cá, anh Lê Minh Toàn (33 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) nổ máy đưa chiếc xuồng lướt nhanh đến các khúc sông để đặt lọp. Đêm qua trời mưa, nước sông La Ngà dâng cao, chiếc xuồng cũng vì thế mà tròng trành theo.
Đến đoạn cù lao nổi giữa sông, anh Toàn cầm mấy cái lọp lặn sâu xuống nước rồi định vị chúng dưới đáy sông thật chắc. Quá nửa giờ, công việc thả lọp mới hoàn tất. “Cá bống tượng có tập tính sống ở dưới đáy, môi trường nước yên tĩnh. Ban ngày chúng ít hoạt động, thường vùi mình dưới bùn và hoạt động tích cực vào đêm. Đến mùa sinh sản như bây giờ, cá bống tượng hoạt động cả ban ngày. Chúng thích ăn cá, tép, cua, ốc... tươi sống và vừa với cỡ miệng” - anh Toàn nói.
Nhiều người quen đặt lọp không có mồi, nhưng với anh Toàn việc dùng mồi giúp đàn cá biết mùi và dễ vào “bẫy” hơn. Bởi một khi đã đặt mồi thì những lần sau đó phải tiếp tục sử dụng, nếu không cá chẳng bao giờ mò đến lọp vì đã quen mùi. Mồi dụ cá bống tượng là cua, ốc…, nhưng nhạy mùi nhất là con còng bị đập hơi nát một chút. Sau mỗi lần thăm lọp, người đặt lọp có thể thêm một ít mồi mới có mùi tanh để thu hút cá vào.
Theo anh Toàn, muốn bắt cá bống tượng chỉ nên đặt lọp khi nước lớn, vì vào thời điểm này cá liên tục tìm kiếm thức ăn. Địa điểm đặt lọp thích hợp nhất là ở mé sông hoặc giữa dòng nước sâu, trên mặt có đám lục bình rậm. Thời gian đặt lọp từ 6 giờ ngày hôm trước và đợi đến ngày hôm sau anh mới đi thu lọp về.
“Khi đặt lọp phải xuôi theo chiều nước và có thể đặt gần nhau, khoảng 4-5m là được. Mùi của mồi sẽ lan theo dòng nước. Do rất nhạy mồi nên cá bống tượng sẽ nhận thấy và bơi ngược dòng tìm đến mồi. Ban đầu, chúng bơi xung quanh để thăm dò và tìm đường vào bên trong. Khi tìm được miệng lọp, từng con sẽ chui vào, chúng tranh nhau ăn làm động cả một vùng nước. Đặt lọp xong, canh chừng một giờ sau lại cho mồi vào tiếp” - anh Toàn cho hay.
Lau 2 bàn tay bị thấm nước vào chiếc áo đã ướt nhèm, ông Huỳnh Quốc Phong (41 tuổi, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) mồi lửa vào điếu thuốc rồi rít lấy rít để. Ông Phong giải thích: “Công đoạn kéo lọp vất vả hơn. Dù không có mưa, nhưng anh em tôi phải khoác vào người chiếc áo mưa tiện dụng để tránh bị nước ngấm vào người. Mấy cái lọp sau khi ngâm dưới sông thời gian dài, giờ đã nặng cả mấy tạ nên kéo nó lên quả thật cực nhọc”.
Anh Huỳnh Quốc Phú (32 tuổi) đứng ngay mạn xuồng, đợi đoạn lọp được kéo lên liền dùng tay ôm gọn. Có những đoạn lọp quá nặng, người anh ngả về phía sau, chao đảo khi sóng dưới hồ Trị An vỗ mạnh. “Chút xíu nữa là ngã nhào theo… Khi thu lọp cá phải chèo thật nhẹ, đồng thời lấy tay bịt miệng lọp để hạn chế cá thoát ra. Những chỗ đã đặt lọp hôm trước thì hôm sau không nên đặt lại, vì cá bắt được rất ít” - anh Phú thổ lộ.
* Sản vật trời cho
Đến lòng hồ Trị An mùa nước lớn, khi các lồng bè nuôi cá bống tượng chuẩn bị bước vào đợt thả mới, không khí ở đây khá nhộn nhịp. Hồ Trị An được các ngư dân coi là “thủ phủ” của loài cá bống tượng. Chẳng có nơi nào cung cấp nguồn cá bống tượng giống tự nhiên nhiều như ở đây.
Cuối tháng 5, cá bống tượng trưởng thành bơi về hồ, kết đôi rồi nhanh chóng sinh sản. Đến giữa tháng 6, khi mặt hồ đã lênh láng nước và thức ăn nhiều, hàng ngàn con cá bống tượng mới nở đã đem lại nguồn sản vật trời cho đối với ngư dân. Thời điểm này cũng là lúc ngư dân bước vào đợt săn cá giống. Công việc vất vả, đòi hỏi phải có kỹ thuật, tay quen nên có rất ít người chọn nghề này mưu sinh.
“Muốn bắt được cá bống tượng giống phải ra giữa hồ, túc trực ở đó gần nửa ngày. Mỗi người có “bí kíp” riêng, nên cùng thả lọp ở vùng nước gần nhau, nhưng người thì trúng, người trắng tay. Ở đây cá giống nhiều, nhưng khoảng 10-13 người biết bắt vì giống cá bống tượng nhỏ, khôn ngoan lắm” - anh Phan Văn Lợi (35 tuổi, ngụ xã Mã Đà) chia sẻ.
Gần một ngày vất vả, người đi bắt chỉ thu về chừng 2kg cá bống tượng giống, bán với giá 70 ngàn đồng/kg. Những con cá đã lớn bằng đầu ngón tay út, khi bán lại cho các chủ lồng bè nuôi đảm bảo tỷ lệ sống trên 90%. Cá bống tượng giống với những loài cá bống khác, nhất là khi còn nhỏ, nhưng lúc lớn chúng có trọng lượng lớn, có thể đạt đến vài ký.
Ngư dân Phan Văn Lợi cho hay: “Lọp sau thu về phải được phơi nắng ít nhất một ngày để khi thả hạn chế ngấm nước, rong rêu bám và không bị mục nhanh. Mỗi đợt thả lọp thường bắt đầu từ 6-11 giờ, đây là khoảng thời gian cá bống tượng đi tìm mồi nhiều, thuận lợi để chúng sa vào bẫy”. |
Trong thời gian chờ đàn cá mắc vào lọp, anh Lợi nói thêm: “Cá bống tượng giống ở đây nhiều lắm. Cá bắt về, một ít bán cho các chủ nuôi ở đây, còn phần lớn bỏ cho mối lái ở các tỉnh miền Tây”.
Nghề đánh bắt cá bống tượng giống thuận lợi giúp người dân có thêm nghề nuôi cá thương phẩm. Là một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi bống tượng thương phẩm, ông Huỳnh Văn Chót (ngụ ấp 4, xã Mã Đà) cho biết: “Nuôi cá bống tượng khó hơn nuôi các loại cá lốc, trê phi, chép…, vì giống này quen sống hoang dã. Nuôi cá bống tượng ngay trên hồ Trị An, nơi chúng được sinh ra có nhiều ưu thế hơn so với nuôi ao hầm, vì tận dụng được sự tuần hoàn nước một cách tự nhiên, tỷ lệ hao hụt thấp”.
Hiện nay, giá cá bống tượng được ông Chót bán cho mối lái gần 300 ngàn đồng/kg, nếu trừ đi phần hao hụt con giống thì 3 chiếc lồng bè nhỏ của ông cũng còn trên 100kg cá thương phẩm, trừ chi phí lãi thu về kha khá. “Cá bống tượng khỏe, thịt dày, ngon, thịt cá khi chế biến có màu trắng, dai và có vị ngọt. Đây là sản vật trời ban cho người dân sinh sống ở đây, cái khó là bây giờ ít ai nuôi được giống cá này” - ông Chót tâm sự.
Nguồn: baodongnai.com.vn