Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP – những kết quả bước đầu
- Thứ tư - 13/09/2017 18:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân chăm sóc mô hình rau an toàn tại HTX rau Toàn Thịnh. Ảnh: N. Gia |
VietGAP do Bộ NN-PTNT ban hành cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm: thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi với các nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc xuất xứ. Những năm qua, để đẩy mạnh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp cho các địa phương, doanh nghiệp, nông dân…
Đồng thời, xây dựng các mô hình điểm VietGAP như sản xuất rau tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh (Cư M’gar); rau an toàn Thuận An; Công ty TNHH H.T FARM; nuôi heo tại Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại cám Fukoku (TP. Buôn Ma Thuột); trồng quýt tại Công ty TNHH AGRITECHCO (Buôn Đôn); sầu riêng tại Công ty Cổ phần Cà phê Phước An (Krông Pắc)… Các mô hình được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật và sự hướng dẫn, giám sát của ngành nông nghiệp đã đem đến những sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của người tiêu dùng. Ông Trần Đình Trọng, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kích thích cho cây trồng không chỉ bảo đảm chất lượng rau mà còn bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường sống xung quanh.
Còn với chị Trần Thị Hoài Nga, có trang trại chăn nuôi heo rộng 4 ha tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn thì cho biết, nắm bắt xu thế sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng tăng, đầu năm 2016 chị xây dựng trang trại chăn nuôi heo máy lạnh. Theo đó, toàn bộ chuồng nuôi đều được lắp đặt hệ thống máy lạnh, ổn định nhiệt độ thích hợp cho heo, công tác vệ sinh, khử trùng được thực hiện thường xuyên mỗi lần ra, vào trại nên hạn chế tối đa tình trạng dịch bệnh. Đặc biệt, heo sinh trưởng tốt trong môi trường ổn định nên ít dịch bệnh; do hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nên chất lượng thịt heo được bảo đảm. Hiện tại, trang trại đang nuôi 200 heo nái, 5.000 heo thịt và chuẩn bị xuất chuồng lứa đầu tiên.
Chị Trần Thị Hoài Nga kiểm tra tình hình sức khỏe của đàn heo con. |
Nhằm đẩy mạnh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 8/2017/QĐ-UBND ngày 28-2-2017 về việc hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế các sản phẩm nông nghiệp an toàn như rau, quả, chè, cà phê, hồ tiêu, lúa, heo, gia cầm, thủy cầm, bò sữa, ong, cá tra, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi sẽ được hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiếp cận thị trường. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất nước để xác định vùng đủ điều kiện sản xuất; 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, xử lý chất thải, cấp thoát nước; 50% chi phí vận chuyển và thuê gian hàng khi tham gia hội chợ, triễn lãm; hỗ trợ 100% kinh phí tham gia tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường; kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để cấp giấy chứng nhận VietGAP...
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, bên cạnh công tác xây dựng, phát triển mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Chi cục còn đẩy mạnh mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ thông qua sự liên kết với hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn, trường học, bệnh viện, nhà máy... Qua đó, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đồng thời tạo chỗ đứng cho người sản xuất.
Theo Thanh Hường/Đăk Lăk.vn