Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải.

Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải.
Mấy năm gần đây, người dân xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) không còn phải lo về lượng chất thải lớn từ trại lợn công nghiệp mấy nghìn con trên địa bàn xã, hay lo xử lý nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa.

 

Bởi những rác thải đó được một cơ sở thu gom, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.
 

Từ những chất thải…

Là bộ đội xuất ngũ, anh Trịnh Đắc Thắng ở thôn 4, xã Hòa Bình trở về học nghề lái máy xúc. Năm 2012, trong một lần làm dịch vụ máy xúc cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón hữu cơ, anh được biết các nguồn thải nông nghiệp như phân lợn, cỏ rác, rơm rạ… có thể “chế biến” thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.

14-18-33_img_0179
Anh Thắng kiểm tra hố đảo nguyên liệu
 

Điều này làm anh nhớ đến trại lợn công nghiệp mấy nghìn con ở xã mình, hằng ngày thải ra rất nhiều phân lợn gây ô nhiễm nặng nề, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Việc bà con kêu rất nhiều về tình trạng này cũng khiến anh trăn trở suy nghĩ.

Vậy là anh hăm hở với ý tưởng có thể giúp giảm ô nhiễm môi trường cho xóm làng: Thu gom chất thải từ trại lợn để làm phân bón hữu cơ. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tìm hiểu, tham khảo khắp nơi về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn thải nông nghiệp. Anh tìm đến doanh nghiệp ở Hải Phòng, lên Phú Thọ, vào Thanh Hóa… để học hỏi.

Sau khi đã nắm vững kiến thức cơ bản và quy trình sản xuất, anh vay vốn thuê đất, đầu tư thiết bị, nhà xưởng,tiếp nhận chuyển giao dây chuyền máy móc và công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ một doanh nghiệp.

14-18-33_img_0181
Phơi nguyên liệu trước khi nghiền, trộn
 

Anh Thắng chia sẻ: “Khi làm công việc này, tôi có điều thuận lợi là biết nghề máy xúc, mà làm phân bón hữu cơ ở đây phải có máy xúc mới làm được”. Anh dùng máy xúc đào những hố sâu khoảng hơn 1m, rộng 360m2. Anh đổ vào hố hỗn hợp gồm phân lợn cùng các loại rác thải hữu cơ như cỏ rác, rơm rạ, bã thải sau khi trồng nấm rơm, bùn thải của ao nuôi trồng thủy sản… Tiếp tục dùng máy xúc đảo đều hỗn hợp này với chế phẩm sinh học. Sau đó, đánh đống, đậy bạt ủ. 1 tháng sau, khi hỗn hợp đã lên men, đem ra phơi khô rồi đem vào dây chuyền nghiền, phối trộn với các phụ gia…
 

…Làm nên màu xanh cho đời

Mỗi năm, xưởng anh Thắng sản xuất được 700 tấn phân hữu cơ vi sinh. Sản phẩm phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là hoa và rau màu. Phân hữu cơ này cũng rất tốt cho cây thuốc lào, mà xã Hòa Bình là một trong những xã trọng điểm trồng thuốc lào của huyện Vĩnh Bảo nên rất thuận lợi khi có nguồn cung cấp phân bón tại chỗ.

14-18-33_img_0189
Anh Thắng trong xưởng sản xuất của mình
 

Sản phẩm của xưởng đạt tiêu chuẩn và chất lượng tốt, giá thành lại rẻ (2.500 đồng/kg) nên thị trường ngày càng mở rộng. Anh Thắng đang cung cấp số lượng lớn phân bón cho Viện Nghiên cứu ngô, các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Hải Phòng như xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo), xã An Thọ (huyện An Lão)… Sản phẩm còn vươn ra thị trường nhiều tỉnh bạn như Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Giang, Thái Nguyên…

Việc làm của anh Thắng được chính quyền và bà con trong xã đánh giá rất tích cực. Anh không chỉ giúp địa phương xử lý được một phần rác thải - nhất là lượng phân khổng lồ từ trại lợn công nghiệp và nguồn rơm rạ sau thu hoạch - mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh còn đang ấp ủ nhiều dự định góp phần làm sạch đẹp quê hương như đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thành phân bón hữu cơ ở huyện Thủy Nguyên, triển khai mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật để làm sạch ruộng đồng…

Với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, anh Thắng trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp ở địa phương. Anh vừa vinh dự là một trong hai thanh niên của Hải Phòng được TƯ Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc năm 2016.

 

Theo Hân Minh/nongnghiep.vn