Sản xuất theo chuỗi liên kết “Chăn nuôi - tiêu thụ”: Gà đồi Yên Thế bay xa

Sau một thời gian triển khai, hai dự án chuỗi liên kết “chăn nuôi - thu mua (giết mổ, chế biến) - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang chủ trì đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Bắc Giang cùng các bộ, ngành cần nhân rộng mô hình, từng bước hoàn thiện để người chăn nuôi tự tin bước vào sân chơi TPP.
Sản xuất theo chuỗi liên kết “Chăn nuôi - tiêu thụ”: Gà đồi Yên Thế bay xa
Hướng đi tất yếu
Hai dự án thí điểm chuỗi liên kết “chăn nuôi - thu mua (giết mổ, chế biến) - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế nhằm mục tiêu xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa hộ chăn nuôi và thương nhân thu mua, giết mổ, chế biến với thương nhân bán buôn, bán lẻ gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn TP.Hà Nội và các thị trường khác. Trên cơ sở đó triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Để thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi Yên Thế, Tổ xây dựng dự án đã lựa chọn các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh thu mua gà lông, doanh nghiệp giết mổ, chế biến và các thương nhân kinh doanh sản phẩm gà đồi Yên Thế trong và ngoài tỉnh cùng tham gia; tổ chức cho các chủ thể trong chuỗi liên kết tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nhiều địa phương. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổ xây dựng dự án đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung - cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế vào thị trường Hà Nội và các thị trường trong cả nước.

Kết quả, thông qua dự án thí điểm chuỗi liên kết, việc chăn nuôi, tiêu thụ có sự gắn kết, chủ động, hạn chế rủi ro, các chủ thể tham gia đều có lợi nhuận hài hòa và ổn định hơn so với các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh không được lựa chọn trong mô hình. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ đã nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các cơ sở giết mổ, chế biến đã từng bước đầu tư mở rộng, nâng cấp trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu thị trường. Qua đó, huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm hàng hóa theo quy trình an toàn sinh học, VietGAHP; cải tạo mở rộng trang trại chăn nuôi, đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải, dụng cụ phục vụ kinh doanh...

Ông Lương Đức Hùng ở xã Phồn Xương (Yên Thế), hộ kinh doanh gà lông cho biết, trước khi tham gia dự án, ông chỉ tiêu thụ gà ở 3 tỉnh: Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Ninh với mức 800 con/ngày. Sau khi tham gia dự án, ông đã mở rộng thị trường ra  Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội với lượng tiêu thụ 1.500 con/ngày. Bên cạnh đó, ông được tham gia nhiều hội nghị kết nối cung - cầu với các thương nhân tiêu thụ gà đồi Yên Thế lớn ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, từ đó có cơ hội mở rộng thị trường.

Ông Thân Minh Sâm, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thế, cho biết, dự án đã huy động được nguồn lực xã hội đầu tư vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đầu tư cơ sở giết mổ chế biến gia cầm tập trung, quy mô, trang thiết bị hiện đại… Đây chính là cơ sở để nhân rộng, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Yên Thế trong thời gian tới, từ đó, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang), hai dự án đã xây dựng được cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong mô hình, nâng cao trách nhiệm kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin, uy tín của các chủ thể trong việc hợp tác sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu; trên cơ sở đó góp phần sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả, thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, trong khâu tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia mô hình có được nguồn cung gà đồi Yên Thế đầy đủ, ổn định, chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Nâng cao vai trò trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế.

Cần nhân rộng để hội nhập TPP

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cũng như trước thềm hội nhập TPP, gà đồi Yên Thế gặp phải không ít khó khăn. Trước hết, quy định của pháp luật và cơ chế chính sách liên quan đến tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư phục vụ sản xuất, chăn nuôi nhằm đáp ứng đòi hỏi của hoạt động sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều bất cập. Rào cản kỹ thuật của Việt Nam quá đơn giản, chưa có thuế chống bán phá giá nên sản phẩm gà của Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… nhập khẩu vào nước ta với số lượng lớn, cạnh tranh gay gắt, gây khó khăn cho chăn nuôi và tiêu thụ gà trong nước.

Việc phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế còn nhỏ lẻ, phân tán, thời gian vào đàn còn theo tâm lý mùa vụ, thị trường; giống gà chưa đa dạng, việc vận dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi chưa thống nhất... nên chất lượng đàn gà thương phẩm không đồng đều, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng sản phẩm gà lông (tươi sống) là chủ yếu. Sản phẩm thịt gà đã qua giết mổ, chế biến tiêu thụ chậm nên sản xuất không hết công suất, chi phí bảo quản, vận hành, khấu hao nhà xưởng… phân bổ cho sản phẩm cao, vì vậy hiệu quả mang lại thấp.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi cao, chất lượng không ổn định và chưa có cơ sở chế biến thức ăn tại các vùng chăn nuôi tập trung với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi của một số hộ còn hạn chế; thiếu vốn để đầu tư phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi hàng hóa. Đặc biệt, đối với sản phẩm gà qua giết mổ, chế biến tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại còn phải cạnh tranh với các sản phẩm thịt gà nhập khẩu của Mỹ, Hàn Quốc...

Anh Nguyễn Xuân Hiếu ở xã Đồng Tâm tâm sự: “Nước ta đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách không nhỏ. Tôi cần sắp xếp, cơ cấu lại mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, từ đó chuyên nghiệp hóa nghề chăn nuôi. Huyện Yên Thế cần quan tâm hơn nữa về vốn, kỹ thuật, hướng dẫn các hộ chăn nuôi duy trì tổng đàn, đảm bảo sản lượng tiêu thụ trên thị trường”.

Ông Thân Minh Sâm kiến nghị, UBND tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí cho việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đàn gà đồi Yên Thế. Trước mắt là bố trí kinh phí năm 2015 cho việc thực hiện đề án nâng cao chất lượng giống gia cầm trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020 đã được phê duyệt. Đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Theo ông Phương, UBND tỉnh Bắc Giang cùng các bộ ngành cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí triển khai nhân rộng mô hình chuỗi liên kết “chăn nuôi - thu mua (giết mổ, chế biến) - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế, từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây là việc làm cần thiết để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi gà ở huyện Yên Thế, đó cũng là bước chuẩn bị vững chắc trước khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực.

http://hoinongdan.org.vn/