Sáng tạo NTM Đan Phượng: "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên”
- Thứ bảy - 02/09/2017 08:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nâng chất lượng NTM
Ông Thắng cho biết, trong giai đoạn 2010 – 2015, Đan Phượng đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư để triển khai chương trình xây dựng NTM. Kết thúc năm 2015, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM. “Nếu như cảm nhận của người dân về NTM ở giai đoạn 1 là đi trên những tuyến đường khang trang hơn, sạch đẹp hơn, bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện, thì cảm nhận ở giai đoạn 2 là bát cơm đầy hơn, ngon hơn, áo ấm hơn, chất lượng cuộc sống được cao hơn” - ông Thắng nói.
Nghề trồng hoa ly đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Giai đoạn 2016 - 2020 này, phong trào xây dựng “đường có hoa, nhà có số, phố có tên” tiếp tục là sáng tạo của Đan Phượng trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Tinh thần chủ động, linh hoạt cùng cách làm sáng tạo của Đan Phượng cần được nhân rộng để các địa phương khác học tập”. Ông Lê Thiết Cương |
Theo ông Thắng, ở giai đoạn 1 huyện đã tập trung đầu tư cho hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Sang giai đoạn 2 yêu cầu đặt ra cao hơn, huyện sẽ hướng tới là phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và tạo thu nhập của người dân cao hơn. “Chúng tôi xác định không phải xây dựng NTM cho có tiếng tăm, cho đẹp mà đích đến là nông thôn phát triển bền vững hơn, xã hội ổn định hơn” - ông Thắng cho hay.
Ông Thắng cho biết thêm, hiện nay, huyện vẫn tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2 bám sát theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM nhưng được định tính theo đặc thù và có nét riêng của địa phương. Đó là: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân ủng hộ” để hướng tới đạt tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu. Năm 2017, huyện chỉ đạo triển khai định hướng trên ở tất cả các xã, nhưng tập trung làm điểm ở ba xã gồm Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Bí thư xã Đan Phượng cho biết, Đan Phượng là xã đạt chuẩn NTM từ năm 2013, đến năm 2016, hưởng hứng phong trào do huyện phát động, xã đã đăng ký xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Theo đó, xã đã bắt tay vào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa các thôn, xóm; lắp biển tên đường; gắn số nhà; trồng hoa ở các trục đường. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành gắn biển số nhà và đặt tên đường, hoàn thành việc trồng và phân công chăm sóc hoa và cây cảnh ở 3/6 trục đường chính. Đặc biệt, các ao môi trường đã được kè, hệ thống nước thải sinh hoạt không xả vào các ao.
“Đan Phượng phấn đấu đến hết năm 2018 hoàn thành xã NTM kiểu mẫu với cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, dịch vụ; 91% lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm; duy trì chuẩn về cơ sở hạ tầng, giữ môi trường xanh, sạch, đẹp” - bà Cúc chia sẻ.
Ông Lê Thiết Cương - Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối NTM, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Huyện Đan Phượng xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2011 - 2015, đến nay Đan Phượng tiếp tục là tiên phong trong thực hiện NTM kiểu mẫu.
Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đối với phát triển kinh tế, ông Nguyễn Tất Thắng cho hay: Đan Phượng đang có chủ trương tập trung phát triển cả dịch vụ, làng nghề và sản xuất nông nghiệp. Trong đó, riêng với nông nghiệp, định hướng của huyện là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao (CNC) để tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được hơn 70ha. Cùng với đó tập trung nâng cao chất lượng các dự án nông nghiệp đã triển khai như dự án bưởi Diễn 50ha, huyện đầu tư hỗ trợ người dân chăm sóc đúng quy trình, chứ không phải chỉ mở dự án không.
Theo ông Thắng, trong bối cảnh đất đai ngày càng bị thu hẹp, trong khi nhu cầu tiêu dùng nông sản hàng hóa ngày càng cao, nhất là yêu cầu về chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc nên buộc phải chuyển hướng sang nông nghiệp CNC.
Ông Thắng chia sẻ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 4 dự án nông nghiệp CNC đang thực hiện các bước để triển khai. Trong đó có dự án bảo tồn nguồn gen và đầu tư sản xuất rau hoa quả của Vingroup liên doanh với một đơn vị khác quy mô 10ha đã đến hạng mục bàn giao mặt bằng...
“Để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC cần phải có quy hoạch, định hướng sản xuất cụ thể và quảng bá quy hoạch đó tới các doanh nghiệp. Đan Phượng có thuận lợi là nguồn nước phục vụ sản xuất từ sông Hồng sạch, dồi dào, lại ít bị ngập lụt. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thực hiện tốt các cơ chế chính sách của thành phố, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Chúng tôi yêu cầu các phòng, ban chức năng, cơ sở quán triệt tinh thần làm nông nghiệp CNC “không có phong bì, phong bao” - ông Thắng nhấn mạnh.
Theo Hải Đăng/Dân Việt.vn