Sâu sát xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 09/04/2018 19:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện mạo nông thôn mới xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến nay, Vĩnh Phúc có 2 huyện là Yên Lạc và Bình Xuyên đã đạt chuẩn nông thôn mới, TP Vĩnh Yên và thị trấn Phúc Yên đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 91/112 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 77 xã đã được công nhận đạt chuẩn.
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của Vĩnh Phúc hiện gặp không ít khó khăn, thách thức mới do xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn này đang bị siết chặt bởi Luật Đầu tư công, cắt giảm nhiều chương trình, dự án.
Yêu cầu việc huy động nguồn lực không quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, vì vậy, việc tập trung nguồn lực cũng như việc huy động xây dựng nông thôn mới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, sau gần 8 năm triển khai thực hiện cũng có nghĩa là đã bước sang giai đoạn mới, hướng vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện từng tiêu chí. Thực tế này đang là bài toán đặt ra với tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã có sáng kiến thành lập mô hình nhóm nòng cốt với nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân tại khu dân cư, tích cực tham gia thực hiện để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời sau khi xã đã được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới thì nhóm nòng cốt tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ, duy trì có hiệu quả các tiêu chí đó.
Từ 83 mô hình điểm nhóm nòng cốt, do Ủy ban MTTQ tỉnh thành lập, đến nay mô hình này đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình như các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương đã xây dựng được 100% nhóm nòng cốt tại các khu dân cư.
Trong 2 năm qua, MTTQ các cấp cùng các nhóm nòng cốt đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia hiến hơn 900.000 m2 đất; góp hơn 250.000 ngày công lao động và hơn 422 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng hàng nghìn mô hình khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hoá, đường làng, ngõ xóm, tuyến phố xanh, sạch, đẹp; tự quản an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tự quản bảo vệ môi trường, dòng họ khuyến học, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi… được quan tâm thực hiện.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Mặt trận và các tổ chức thành viên đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để giúp mỗi người dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.
Phát huy tốt nội lực của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và trong mỗi cộng đồng dân cư nhằm khắc phục hạn chế về kinh phí tổ chức cuộc vận động.
Theo Hải Nhi/Báo Đại Đoàn Kết.vn