Siêu nông dân 8x "bắt" củ nghệ "nhả" tiền tỷ
- Thứ tư - 06/09/2017 03:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh năm 1980, anh Đông (xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) phải bươn chải nhiều nghề lao động chân tay sau khi tốt nghiệp cấp ba. Anh kiếm sống bằng cách làm gạch, lái máy xúc, xe tải, buôn bán nông sản... Sau thời gian dài lăn lộn, công việc vất vả mà thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, anh Đông về quê loay hoay tìm cách chuyển hướng làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Vùng quê Chí Tân có nguồn nghệ tươi khá dồi dào, đỏ, thơm, nhưng giá bán tại vườn tương đối thấp. Anh Đông nảy ra ý định chế biến các sản phẩm nghệ khô thái lát, bột nghệ với hy vọng bán được giá cao hơn.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh Đông thuê 2 mẫu đất trồng để tự chủ nguyên liệu và thử nghiệm quy trình mới. Gia đình và bạn bè đều ngăn cản anh, bởi nghệ Chí Tân đầu ra bấp bênh, chủ yếu bán lẻ tại các chợ. Song tin tưởng vào bản thân, anh Đông vẫ vay mượn thêm để đầu tư máy móc, xây dựng khu nhà xưởng chế biến nghệ khô thái lát và dạng bột.
Tới kỳ thu hoạch, ngoài 30 tấn nghệ tươi của nhà, anh còn mua thêm của bà con trong vùng làm nguyên liệu cho xưởng. Những ngày đầu mới làm, chưa nắm rõ kỹ thuật chế biến, nghệ sấy thường xuyên cháy sém. Lò sấy cũng đập đi xây lại liên tục. Cứ như vậy suốt 3 tháng thử nghiệm, anh mới thu được những mẻ nghệ đầu tiên đạt chất lượng.
Nghệ đỏ được trồng ở Chí Tân, Hưng Yên. Ảnh: Bizmedia
Sau khi nắm được kỹ thuật chế biến, anh Đông tiếp tục đối mặt với thử thách tìm kiếm đầu ra. Thị trường mới, hàng khó tiêu thụ. Trong lúc ngồi trên đống lửa, thì lãi suất tiền vay lại tăng, khiến khó khăn thêm chồng chất.
Không nản chí, anh Đông từng bước tháo gỡ vấn đề. Anh tham gia Hội Doanh nghiệp Khoái Châu, dự các hội thảo phát triển nông nghiệp của tỉnh, tham quan nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, tiếp xúc với doanh nghiệp trên cả nước. Qua mỗi chuyến đi này, một cơ hội mới lại mở ra giúp anh Đông thêm vững tin.
Có lần công tác Ấn Độ, nhận thấy thị trường tiêu thụ mặt hàng tinh bột nghệ khá tiềm năng, anh Đông bèn ấp ủ kế hoạch sản xuất dòng sản phẩm này bằng công nghệ sạch.
Tại Chí Tân, bột nghệ từng được bà con sản xuất nhưng còn nhỏ lẻ, làm theo phương pháp thủ công, lọc nghệ bằng vải, phơi nắng hoặc than. Do vậy muốn tìm hướng đi mới, tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ nguyên chất, đảm bảo an toàn thực phẩm, anh Đông mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ chế biến. Ngoài nhà xưởng, lồng rửa, nước sạch, anh còn sử dụng máy li tâm để tách chiết tinh bột nghệ ra khỏi bã và dầu.
Sau nhiều lần vận hành thử, chấp nhận bỏ đi lượng lớn sản phẩm chưa đạt yêu cầu, anh mới thu được loại tinh bột nghệ như mong muốn. Thành phẩm đạt chuẩn về hình thức và chất lượng, bột mịn, vàng, thơm đặc trưng.
Thời kỳ đầu, có lúc sản phẩm tồn đọng tại xưởng tới 2 tấn mà không thể tìm được đầu ra. Suy nghĩ nhiều, anh quyết định đích thân đem sản phẩm tới các cửa hàng dược và cửa hàng tạp hóa, ký gửi tại đó mà không cần thu tiền. Một thời gian sau, anh quay lại và biết được khách hàng phản hồi tích cực về mặt hàng này. Do vậy, anh có thêm động lực tiếp tục sản xuất tinh bột nghệ sạch, an toàn, chất lượng.
Sau này, thông qua các cuộc hội thảo doanh nghiệp thường niên của huyện Khoái Châu, anh có cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài và quảng bá sản phẩm tinh bột nghệ. Vận may đến khi anh xuất được đơn hàng đầu tiên đi Ukraina. Kể từ đó, anh bắt đầu sản xuất quy mô lớn. Tinh bột nghệ Chí Tân được xuất sang thị trường Ukraina, Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc...
Anh Đông nhận giải thưởng cống hiến cho “Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong sự ngiệp xây dựng, phát triển đất nước” năm 2017.
Năm 2015, cơ sở của anh bất ngờ gặp hỏa hoạn do sơ suất trong quá trình sấy nghệ. Toàn bộ nhà xưởng cùng hàng ngàn tấn nghệ nguyên liệu bị thiêu rụi, thiệt hại hơn một tỷ đồng. Anh quyết tâm gây dựng lại cơ sở, phục hồi sản xuất.
Trải qua nhiều thăng trầm với nghề, hiện mỗi năm, cơ sở chế biến khoảng 400-500 tấn nghệ các loại. Trong đó có 10-15 tấn tinh bột nghệ, còn lại là sản phẩm tươi, thái lát sấy khô, bột nghệ…