Sóc Sơn nỗ lực “cán đích”

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn có xuất phát điểm rất thấp. Khắc phục khó khăn, Sóc Sơn đang nỗ lực để “cán đích” huyện nông thôn mới trong năm 2019.
Nông dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) chuyển đổi từ trồng lúa sang cây cảnh, hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Sóc Sơn có diện tích đất nông nghiệp khá lớn với hơn 13.000ha, nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Bởi vậy, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện gặp không ít khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất yếu kém… Vượt qua khó khăn, sau gần 8 năm thực hiện, huyện Sóc Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng về xây dựng nông thôn mới.

Nói về kết quả này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho hay, huyện đã sớm triển khai và cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Đây là cơ sở để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Đến nay, huyện Sóc Sơn đã hình thành 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, giá trị canh tác đạt 161 triệu đồng/ha/năm, tăng 29 triệu đồng so với năm 2015; xây dựng và quản lý tốt 5 nhãn hiệu nông sản; 100% đường giao thông trục xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Đáng nói, đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt, trên địa bàn huyện không có nhà tạm, nhà dột nát, thu nhập bình quân đạt 39,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,72% theo chuẩn nghèo đa chiều; 92% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên.

Đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 18/25 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 7 xã còn lại đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Huyện Sóc Sơn phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2019, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. “Với một huyện có xuất phát điểm thấp và nhiều khó khăn như Sóc Sơn thì những kết quả đạt được nêu trên là sự cố gắng lớn” - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương nhận định.

Chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết: Bài học kinh nghiệm ở đây chính là sự đoàn kết, nhất trí cao trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Sóc Sơn. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, huyện Sóc Sơn đã đánh giá một cách khách quan, xác định rõ những khó khăn và thuận lợi, từ đó có phương án xây dựng nông thôn mới hợp lý; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động và tạo được sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn còn một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới chưa đạt như: Giao thông, trường học, môi trường, thủy lợi. Đây là các tiêu chí cần nhiều kinh phí, vì vậy, ngoài huy động tại chỗ, huyện Sóc Sơn mong muốn được tiếp tục hỗ trợ, bổ sung nguồn lực thực hiện. Huyện cũng đề nghị sở, ngành liên quan tham mưu thành phố ban hành hướng dẫn và có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu... Những hỗ trợ kịp thời của thành phố cùng sự nỗ lực, cố gắng của địa phương sẽ giúp Sóc Sơn sớm hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2019 theo kế hoạch đề ra.
Theo Nguyễn Mai/Báo HNM.vn