TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Chủ nhật - 23/09/2018 07:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thu nhập tiền tỷ
TP.Hồ Chí Minh có diện tích trên 200 nghìn ha, gồm 19 quận và 5 huyện ngoại thành. Đất nông nghiệp là gần 100 nghìn ha, chiếm gần 50% tổng diện tích toàn Thành phố. Xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đã có những bước đi đột phá trong lĩnh vực này. Với dân số trên 10 triệu dân, diện tích đất nông nghiệp không phải là lớn, và đang bị giảm nhanh do quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Chính vì vậy, ngay từ năm 2005, Thành phố này đã có chủ trương và thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó đến nay Thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đã hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2005, từ đây, ngành nông nghiệp của Thành phố đã phát triển một cách hiệu quả, bền vững, giúp người nông dân có thu nhập cao và tiếp cận được những tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay Thành phố là đơn vị đi đầu trong cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, qua kết quả điều tra sơ bộ về tình hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại cho thấy, hầu hết các hộ nông dân và doanh nghiệp trong phạm vi điều tra đã áp dụng một số biện pháp kỹ thuật công nghệ cao như trồng cây trong nhà lưới, hệ thống tưới tự động phun sương, nhỏ giọt, chăm sóc cá cảnh, máy vắt sữa bò.v.v....
Cùng với đó, trên địa bàn Thành phố đã và đang hình thành những đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp như Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả như Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, Công ty cổ phần phát triển và Đầu tư Nhiệt đới, Tập đoàn Vingroup…
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được triển khai thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chú trọng đầu tư xây dựng và nhân ra diện rộng, như mô hình chăn nuôi trang trại áp dụng công nghệ chuồng kín, mô hình sản xuất rau an toàn, hoa lan trong nhà lưới, mô hình nuôi cá cảnh... đã góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, đô thị ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, công tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ chính, đã chú trọng nhiều đến việc chuyển giao, quản lý kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, các công tác như ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ đều đạt kế hoạch và tiến độ đề ra. Những năm qua, TP.Hồ Chí Minh còn chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực, thông qua việc cử cán bộ tham gia các khóa học nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý do Sở Nội vụ tổ chức, các khóa đào tạo chuyên môn ở nước ngoài, như I-xra-en, In-đô-nê-xi-a, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ chuyên môn học đại học và sau đại học, chủ động phối hợp với Hội Nông dân Thành phố và Hội nông dân các quận, huyện triển khai các lớp tập huấn các kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho bà con nông dân.
Chỉ riêng trong năm 2017, các doanh nghiệp tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã sản xuất và cung cấp thị trường 70.000 kg hạt giống bầu bí; 400 kg hạt giống ớt, cà tím, mướp hương; 170.000 hạt giống dưa lưới, 13.000 túi giống nấm, 450.000 bịch phôi nấm,8.500 kg nấm tươi, 170.000 bó lan cắt cành, 35.000 chậu lan, 50.000 kg bầu bí dưa leo, 300 tấn dưa lưới. Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố đã nhân giống và cung cấp thị trường khoảng 300.000 cây cấy mô các loại/năm, chủ yếu là hoa lan và đã sưu tập nguồn gen gồm 360 mẫu hoa lan các loại, 124 mẫu giống kiểng lá, 77 mẫu giống hoa nền, 100 mẫu giống dược liệu. Trại Thực nghiệm và Trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel vận hành thành công quy trình, công nghệ mới như hệ thống phần mềm quản lý đàn bò sữa, hệ thống phần mềm tính toán khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh giúp cho việc chăn nuôi tiếp cận với các công nghệ hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đạt gần 8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó riêng trồng trọt đạt trên 2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng rau đạt 11.239 ha, tăng 18,8% so cùng kỳ. Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.138 ha, tăng 6,8% so cùng kỳ, trong đó hoa lan đạt 365 ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Với việc ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách cũng đã đã giúp cho người dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, đã có trên 4 trăm ha diện tích sản xuất nông nghiệp áp dụng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn quả cung cấp ra thị trường. Cũng từ đầu năm đến nay, Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả 7 chương trình đột phá và 21 chương trình, đề án, chính sách của ngành, đó là Chương trình phát triển rau an toàn, hoa cây cảnh, bò sữa, bò thịt, giống cây – con chất lượng cao, cá cảnh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xúc tiến thương mại, chuỗi an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Cụ thể, đã xây dựng cánh đồng sản xuất rau muống nước theo quy trình VietGAP tại 2 xã của huyện Hóc Môn và Củ Chi. Chứng nhận VietGAP cho 65 cơ sở, với diện tích trên 136 ha. Tính đến nay, tổng số cơ sở sản xuất rau, quả trên địa bàn Thành phố chứng nhận VietGAP là 1.128 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác trên 950 ha, sản lượng trên 123 nghìn tấn/năm.
Hiện có nhiều cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Thành phố, với lợi nhuận từ 30% đến 40%, thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân và doanh nghiệp. Đó là nhóm rau ăn lá có doanh thu bình quân khoảng từ 1 đến 1,4 tỷ đồng/ha/năm; hoa lan 2 tỷ đồng/ha/năm; nuôi tôm siêu thâm canh từ 2,7 đến 3 tỷ đồng/ha/năm; cá cảnh từ 10 đến 12 tỷ đồng/ha/năm…
Những giải pháp và mục tiêu hướng đến sản xuất nông nghiệp đô thị bền vững
Theo Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, Thành phố đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm từ 60% đến 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả Thành phố. Theo đó, để đạt mục tiêu này, Thành phố đã đưa ra những giải pháp như xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và đáp ứng vệ sinh an toàn của mặt hàng nông sản trên địa bàn. Triển khai quy hoạch vùng sản xuất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thủy sản tập trung để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thành các dự án xây mới Khu nông nghiệp chất lượng cao tại trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, cùng với đó là triển khai đề án đầu tư, bổ sung cho Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển thành Trung tâm Công nghệ sinh học miền Nam.
Ngoài ra, Thành phố cũng triển khai dự án xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt - sau thu hoạch tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi và Khu Nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản tại huyện Cần Giờ. Tiếp tục phối hợp với các sở ngành và các huyện liên quan lựa chọn địa điểm phù hợp để thực hiện các dự án mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt tại huyện Củ Chi và lĩnh vực chăn nuôi tại huyện Bình Chánh. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao kết quả và triển khai vào thực tiễn sản xuất, dự kiến chuyển giao ít nhất 3 quy trình kỹ thuật, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho người dân tại TP.Hồ Chí Minh, và các địa phương lân cận.v.v…
Không chỉ vậy, TP.Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lĩnh vực này, cụ thể Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp xây dựng chương trình phối hợp với đài truyền, Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam… thực hiện chương trình truyền hình, phát thanh về các nghiên cứu, chuyển giao, các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Việc ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách trong thời gian qua đã giúp cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một số doanh nghiệp đầu tư các loại rau ăn lá, ăn quả ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, như dự án 470 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi của Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri đã có 291,2 ha và Khu Nông nghiệp công nghệ cao có 22 ha sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn quả cung cấp ra thị trường. Nâng tổng số sản xuất các loại rau ăn lá, ăn quả ứng dụng công nghệ cao đến nay là 392,8 ha diện tích canh tác, tăng 94,5% so với cùng kỳ (202 ha).
Thành phố hiện đang tiếp tục đầu tư các hạng mục tại Trung tâm Công nghệ sinh học, mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao và tiếp tục ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đô thị như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chính sách hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP, tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…. Đây sẽ là nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đúng định hướng của thành phố là tập trung vào phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Để ngành sản xuất nông nghiệp đô thị phát triển bền vững, TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay. Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thành phố này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đang tập trung xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 và hướng tới 2025, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là các sản phẩm chủ lực của thành phố, nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định. Đồng thời, tiếp tục có chính sách ưu đãi đối với các hộ cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung sản xuất những cây con chủ lực của Thành phố.
Ngay từ đầu năm 2018, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cũng đã ban hành văn bản khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố có hiệu lực đến cuối năm 2020. Trong đó, đối với các khoản vay về sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận, ngân sách Thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp vay từ 10 tỷ đồng trở lên đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận. Uỷ ban nhân dân quận, huyện quyết định hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp vay dưới 10 tỷ đồng đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận.
Trong thời gian tới, Thành phố sẽ phát triển nông nghiệp trở thành trung tâm giống sản xuất, cung cấp giống chủ lực cho khu vực phía Nam. Kèm theo đó là phát triển các sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản xuất theo các quy trình đáp ứng điều kiện ưu đãi về thuế tại các hiệp định thương mại cũng như các yêu cầu của thị trường thế giới./..