Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Giang Bài cuối: Phát triển nôn

Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Giang Bài cuối: Phát triển nôn
Những tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp Hà Giang tiếp tục chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, giá trị thu hoạch trên đơn vị hecta đất canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung vào các trụ cột chính như sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ với sản lượng đủ lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chế biến sâu và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để kết nối tiêu thụ sản phẩm; mở rộng quy mô phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Gia tăng giá trị sản phẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến, quá trình triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Giang vẫn còn nhiều vướng mắc, lực cản như: Việc phân vùng sản xuất, vùng nguyên liệu chưa rõ; sản xuất vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa hình thành được những vùng chuyên canh quy mô lớn và thiếu liên kết bền vững. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ lực được chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa rõ, chưa khai thác triệt để được lợi thế. Các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác được thành lập tăng về số lượng nhưng chất lượng hoạt động còn yếu. Một số HTX chưa thể hiện được vai trò tổ chức lại sản xuất, định hướng thị trường và bao tiêu sản phẩm cho người dân.


Chính sách hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi tiếp tục được thực hiện trên địa bàn Hà Giang
Ảnh: Xuân Việt

Huyện Hoàng Su Phì hiện có khoảng 40 DN, HTX nông nghiệp, đa phần có vốn đầu tư nhỏ. Theo Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì Hoàng Hải Lý, nhiều mặt hàng nông sản của Hà Giang có thương hiệu nhưng có nhiều vụ sản lượng sau thu hoạch lại dôi dư nhiều. Vì vậy, Hà Giang cần quan tâm đến bài toán chế biến sâu sản phẩm, hướng tới xuất khẩu hàng hóa để nâng cao giá trị nông sản do người dân địa phương làm ra. “Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm. Qua đó, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững tại địa phương,” ông Hoàng Hải Lý kiến nghị.

Nhấn mạnh quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cho biết, tỉnh tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu; quy hoạch lại các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh thành vùng hàng hóa tập trung; đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế. Đặc biệt, tỉnh sẽ xem xét, tạo quỹ đất sạch đủ lớn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, DN đến với địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ 100% lãi suất đối với các dự án trồng và chế biến, bảo quản dược liệu, chè, cam theo công nghệ hiện đại; các dự án đầu tư và xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, cùng nhiều chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh.

Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh Hà Giang tại Châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Tại hội nghị, các DN hai bên đã ký kết hợp đồng thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản địa phương. Đây chỉ là một trong nhiều nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông sản, dược liệu lợi thế của tỉnh đến thị trường quốc tế. Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tham gia chuỗi phát triển du lịch

Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi phát triển du lịch đang được xem là hướng đi mới của Hà Giang, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Mô hình homestay tại xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang đã giúp nhiều hộ dân bản địa nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Du khách đến đây vừa có thể nghỉ ngơi, tìm hiểu bản sắc dân tộc, vừa được trải nghiệm làm nông nghiệp trên những mảnh vườn của người dân. Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường Lê Xuân Mạnh cho biết, thực hiện nâng cao các tiêu chí chất lượng làng văn hóa du lịch cộng đồng, xã đã hỗ trợ người dân chỉnh trang khuôn viên và định hướng phát triển du lịch; trọng tâm đưa các sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi phát triển du lịch. Tới đây, xã sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích các hộ mở rộng quy mô loại hình kinh tế này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cho biết, thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của Hà Giang đều phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, được thị trường và du khách đón nhận, bước đầu tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm của các làng nghề gắn kết với phát triển du lịch, Hà Giang đã đẩy mạnh đầu tư khoa học - kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ DN, làng nghề truyền thống nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề mang tính đặc thù của địa phương đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

Theo các chuyên gia, để phát huy tiềm năng cộng hưởng giữa nông nghiệp và du lịch, Hà Giang cần tích cực xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, khôi phục lễ hội nông nghiệp truyền thống; phát triển các làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp; tập huấn cho người dân kỹ năng chế biến thực phẩm an toàn, giao tiếp với khách nước ngoài... Xây dựng mỗi địa phương một mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp.

Theo Trọng Hiếu/daibieunhandan.vn