Tầm nhìn thế kỷ từ chuyến bay đặc biệt của Thủ tướng
- Thứ năm - 21/09/2017 19:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chưa đầy một tuần nữa, một sự kiện lớn sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đó là Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100, diễn ra trong hai ngày 26-27/9 tại Cần Thơ.
Nhưng không nhiều người biết rằng, việc chuẩn bị cho Hội nghị này đã được Người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt từ rất lâu trước đó.
Tầm nhìn tới năm 2100
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang, ngày 14/3/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xem xét một cách toàn diện, có hệ thống, nhận diện đầy đủ những tiềm năng cũng như những thách thức đang đặt ra đối với ĐBSCL.
Hiện, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp. Chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của biến đổi khí hậu dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, làm sinh kế của người dân trở nên bấp bênh.
Trước những yêu cầu cấp bách đặt ra, tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Hà Lan và một trong những mục tiêu lớn của chuyến thăm này là tìm hiểu kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với Hà Lan trong biến đổi khí hậu.
Điểm “đặc biệt nổi bật” trong chuyến thăm, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, là việc Thủ tướng đã đi thị sát, bằng trực thăng, tuyến đê biển và các công trình trị thủy nổi tiếng thế giới của Hà Lan cũng như việc quy hoạch đồng bằng của Hà Lan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
“Kết quả của chuyến thị sát, làm việc này sẽ có tác động rất tích cực đến việc ra quyết sách của Chính phủ trong thời gian tới về các vấn đề ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, chống xâm mặn, xói lở và ngập lụt tại ĐBSCL”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa trên cơ sở kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội.
Thủ tướng Chính phủ hai nước cũng đã ký bản Ý định thư về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho vùng đồng bằng quan trọng này.
Đây là bước chiến lược tiếp theo trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan nhằm thực hiện các Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010 và về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực năm 2014.
Ngay sau chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hội nghị là nơi hiệu triệu các ý tưởng lớn giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.
4 yêu cầu của Thủ tướng
Cũng theo vị ‘tư lệnh’ ngành tài nguyên và môi trường, Thủ tướng Chính phủ đặt ra những yêu cầu rất cụ thể, đòi hỏi tính thực chất, khả thi đối với Hội nghị.
Một là, Hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới, có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.
Hai là, phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.
Ba là, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thẩm định, thẩm tra, phát biểu phản biện về những giải pháp, trình bày tại Hội nghị.
Mục tiêu thứ tư là thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Trong 2 ngày 26-27/9, Hội nghị sẽ diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn sâu về các vấn đề.
Phiên 1 sẽ bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Phiên 2 sẽ thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Phiên 3 sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sát lở.
Ngày 27/9, phiên họp toàn thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước.
Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với vùng đất này. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước.
Theo chinhphu.vn