Tạo đột phá để trở thành huyện nông thôn mới

Với 20/22 xã đạt chuẩn, huyện Phúc Thọ đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2018. Để đạt được kết quả đề ra, huyện Phúc Thọ đã năng động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn xung quanh những nỗ lực của địa phương.

 

Mô hình trồng mướp cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ).

- Ông có thể khái quát những kết quả trong xây dựng nông thôn mới của huyện?

- Có thể nhận thấy rất rõ, nhờ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đội ngũ cán bộ của huyện Phúc Thọ đã đổi mới tư duy, tinh thần trách nhiệm, phương pháp làm việc. Cán bộ được bố trí đúng người, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Đời sống kinh tế, an sinh xã hội của người dân được chăm lo bảo đảm; chế độ chính sách cho các đối tượng được thực hiện tốt; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phúc Thọ hằng năm đều đạt và tăng so với kế hoạch đề ra. 

Cụ thể, huyện Phúc Thọ đã có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hai xã còn lại, huyện đang tập trung đầu tư phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong tháng 6-2018. Trong 9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, qua rà soát, đánh giá huyện đã đạt 97/100 điểm, Phúc Thọ đang tiếp tục đầu tư phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới năm 2018.

- Xuất phát điểm thấp, nhưng huyện Phúc Thọ đã vượt qua khó khăn, trở thành một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của thành phố về xây dựng nông thôn mới, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm?

- Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là của nhân dân, người dân làm và hưởng lợi trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, triển khai thực hiện Chương trình này, huyện Phúc Thọ đã huy động người dân tích cực vào cuộc. Từ năm 2011 đến nay, huyện duy trì tổ chức mỗi năm 2 lần sinh hoạt cộng đồng vào dịp sinh nhật Bác Hồ 19-5 và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18-11. Vào dịp này, 178 cụm dân cư trên địa bàn huyện đồng loạt tổ chức sinh hoạt theo một chủ đề chung như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện phong trào “ba sạch”... Đây là đợt sinh hoạt lớn của toàn dân để tạo sự thống nhất, tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp đưa địa phương phát triển.

Với tinh thần tăng đối thoại để giảm đơn thư, việc đối thoại với nhân dân cũng được huyện duy trì hằng năm, kể từ năm 2014 đến nay. Không chỉ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của huyện như Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện..., mà cả Bí thư, Chủ tịch các xã, thị trấn cũng tham gia nhiệm vụ này. Huyện Phúc Thọ cũng đặt mục tiêu, mỗi tuần giải quyết dứt điểm một vụ việc tồn đọng. Nội dung này được triển khai từ năm 2017, đến nay đã giải quyết được 10 vụ việc tồn tại, trong đó có những vụ kéo dài 20 năm. Ngoài ra, huyện Phúc Thọ đã phát động và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “ba sạch” (sản xuất nông nghiệp sạch, nước sạch và môi trường sạch). Sau một năm phát động, cuộc vận động đã đi sâu vào đời sống nhân dân, tạo được một số chuyển biến nhất định. 

- Vậy, mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà huyện đang hướng đến như thế nào?

- Huyện Phúc Thọ xác định mục tiêu phát triển trở thành vùng nông thôn trù phú, kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, nông dân sống thân thiện và hài hòa. Để thực hiện mục tiêu này, huyện xác định rõ 3 khâu đột phá. Trong đó, đầu tiên là tổ chức lại sản xuất. Đây là khâu khó nhất trong xây dựng nông thôn mới nên huyện đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đồng thời yêu cầu các xã khi quy hoạch lại nông thôn mới sẽ điều chỉnh quy hoạch sản xuất; xây dựng sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp...

Tiếp đó là tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp đầu tư như Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội đầu tư sản xuất trứng gia cầm. Huyện cũng yêu cầu các xã xây dựng quy hoạch điểm sản xuất, kinh doanh đưa sản xuất ra xa khu dân cư, gắn với xử lý ô nhiễm môi trường; tổ chức đối thoại định kỳ với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để lắng nghe khó khăn của cơ sở và có hướng tháo gỡ. Cuối cùng là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao tiêu chí nông thôn mới và thực hiện cuộc vận động “ba sạch”, lấy người dân làm trọng tâm. Huyện phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến.

- Mục tiêu đặt ra rất lớn và thực hiện cũng không đơn giản, vậy huyện Phúc Thọ sẽ đưa ra những giải pháp nào để tạo bước đột phá?

- Là huyện thuần nông nên Phúc Thọ đã tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp. Mỗi năm, huyện dành khoảng 4 tỷ đồng hỗ trợ các đề án cụ thể. Huyện Phúc Thọ có đền Hát Môn ở xã Hát Môn, đây là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi thờ Hai Bà Trưng. Lễ hội đền Hát Môn cũng đã được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Phát huy lợi thế này, huyện đang xây dựng đề án phát huy giá trị lịch sử, tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, kêu gọi tinh thần độc lập, tự cường, qua đó mỗi người dân thấy được truyền thống, niềm tự hào để vươn lên. Huyện Phúc Thọ cũng yêu cầu mỗi xã chọn một cụm dân cư kiểu mẫu để xây dựng làng xanh - sạch - đẹp, trở thành các vùng quê đáng sống. Lâu dài hơn, sẽ thu hút khách du lịch về trải nghiệm làng quê gắn với du lịch tâm linh đền thờ Hai Bà Trưng.

- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nguyên Mai/Báo HNM.vn