Tạo đột phá từ nhân rộng điển hình tăng gia sản xuất

Tạo đột phá từ nhân rộng điển hình tăng gia sản xuất
Phần lớn các đơn vị thuộc Tổng cục Kỹ thuật đứng chân ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế chưa phát triển, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt… song cán bộ, chiến sĩ luôn chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), tạo nguồn thực phẩm tại chỗ dồi dào đáp ứng nhu cầu bộ đội. Nhiều mô hình TGSX tập trung, chăn nuôi, trồng rừng của các đơn vị phát triển có hiệu quả cao, trở thành điểm sáng của Tổng cục Kỹ thuật và địa phương.
Đến công tác ở Kho K789 (Cục Kỹ thuật binh chủng) và Kho K802 (Cục Quân khí), chúng tôi rất ấn tượng về cảnh quan môi trường và khu TGSX của đơn vị. Mặc dù đang là mùa giáp hạt nhưng rau trong khu TGSX tập trung của Kho K789 vẫn xanh tốt. Sát chân núi là những khu trồng đu đủ, chuối, bí xanh. Đại úy Thái Thế Thắng, Trưởng ban Hậu cần Kho K789 giới thiệu: Đơn vị đóng quân ở rừng núi, đất đai khô cằn, mùa mưa thường xuyên bị ngập úng, mùa khô thì thiếu nước. Song với quyết tâm lập khu TGSX tập trung, kho đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo đất, làm hàng nghìn mét rãnh thoát nước chống ngập úng và xây dựng hệ thống bể chứa, đường ống dẫn nước ra các khu vực TGSX. Ngoài khu TGSX tập trung, đơn vị còn đẩy mạnh tăng gia "quanh bếp, quanh nhà", lựa chọn cây giống, con giống nuôi trồng phù hợp. Đến nay, toàn kho bảo đảm đủ 100% nhu cầu rau xanh, thực phẩm đưa vào bếp ăn cho bộ đội; trừ chi phí, bình quân mỗi người thu được từ TGSX 1,5 triệu đồng/năm.
Đoàn cán bộ ngành hậu cần Tổng cục Kỹ thuật tham quan vườn giàn khu TGSX tâph trung của kho KV2 (Cục Quân khí). Ảnh: Xuân Giang
Tham quan khu TGSX tập trung của Kho K802, chúng tôi được Đại tá Trương Minh Hồng, Chủ nhiệm Kho K802 cho biết: Chấp hành sự chỉ đạo của Cục Hậu cần và Cục Quân khí, Đảng ủy kho đã ra nghị quyết chuyên đề về TGSX, căn cứ vào đó, các chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo hằng tháng đều có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể trong công tác TGSX. Ban chủ nhiệm kho giao cho cơ quan hậu cần chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức quy hoạch vườn, chuồng trại, ao cá phù hợp, khoa học, kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm chuyên môn và an toàn kho tàng. Đơn vị huy động bộ đội cải tạo đất bằng cách lấy đất mùn bổ sung và ủ các loại phân xanh, phân chuồng; bảo đảm nguồn nước thường xuyên, đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động cho 100% diện tích đất trồng rau, củ, quả. Nhờ đó, đơn vị luôn bảo đảm tốt nguồn thực phẩm sạch từ sản phẩm TGSX tại chỗ, nhất là những thời điểm giáp hạt và dịch bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu bộ đội.
Chúng tôi đem những điều "mắt thấy tai nghe" từ những chuyến công tác ở các đơn vị kể với Đại tá Tạ Văn Thuyên, Cục trưởng Cục Hậu cần (Tổng cục Kỹ thuật). Đồng chí Cục trưởng cho biết: Thời gian qua, trước sự biến động của giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm; thời tiết, khí hậu, bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác TGSX và bảo đảm đời sống bộ đội. Khắc phục khó khăn trên, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các mặt công tác hậu cần. Đặc biệt là việc triển khai hiệu quả công tác TGSX góp phần nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Cục Hậu cần chỉ đạo ngành chọn những khâu để tạo bước đột phá, xây dựng đơn vị điểm để nhân rộng, bảo đảm nhằm giữ vững ổn định và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe bộ đội.
Trọng tâm để tạo được đột phá trong TGSX là nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ; quán triệt đầy đủ nội dung, yêu cầu, biện pháp thực hiện của Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật và các cục chuyên ngành; tổ chức triển khai nghiêm túc. Theo đó, Đảng ủy Tổng cục và các cục chuyên ngành, cấp ủy các đơn vị đã ban hành quy chế lãnh đạo công tác TGSX, gắn trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì với kết quả TGSX của đơn vị; gắn kết quả TGSX với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng của các tập thể, cá nhân. TGSX được đưa vào là một trong những nội dung, tiêu chuẩn xét công nhận đơn vị vững mạnh toàn diện. Vì vậy, phong trào TGSX của các đơn vị, nhất là các kho ngày càng đi vào chiều sâu, đồng bộ ở cả ba cấp. Trong quá trình thực hiện, Cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị tận dụng tối đa các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, tổ chức TGSX phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời tích cực xây dựng các mô hình điểm về TGSX để tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn tổng cục. Cục Hậu cần Tổng cục Kỹ thuật đề nghị và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hàng tỷ đồng để tăng cường đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các điểm TGSX tập trung, đẩy mạnh TGSX ở cấp kho theo mô hình “vườn-ao-chuồng-giàn-rừng”. Hiện nay, nhiều mô hình TGSX mới đã xuất hiện ở các đơn vị thuộc Cục Quân khí, Cục Kỹ thuật binh chủng, Cục Xe-Máy, các nhà trường trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Có đơn vị trồng hàng chục héc-ta cây ăn quả, nuôi hàng trăm con trâu, bò, lợn lửng, đàn gia cầm có hàng nghìn con. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được các đơn vị chú trọng hơn; lựa chọn giống tốt như rau chất lượng cao, lợn siêu nạc, gà Ai Cập... Những mô hình TGSX đã và đang phát huy hiệu quả tốt.
Với sự chủ động, nhạy bén trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát của Cục Hậu cần và nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo trong triển khai, các đơn vị thuộc Tổng cục Kỹ thuật đã tạo được sự đột phá, chuyển biến tiến bộ vượt bậc về công tác TGSX. Những mô hình tiêu biểu về TGSX xuất hiện ngày càng nhiều hơn, giúp cho các đơn vị không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
LÊ DUY HỒNG
Nguồn qdnd.vn