Thái Bình: Người nông dân ôm ruộng làm giàu

Thái Bình: Người nông dân ôm ruộng làm giàu
Trong khi nhiều nông dân đang bỏ ruộng đi làm ăn xa hoặc làm cho các công ty thì ông Bùi Văn Khuể ở thôn An Nạp, xã An Châu, huyện Đông Hưng lại mạnh dạn thuê ruộng của bà con để mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình trồng màu tổng hợp. Ba năm gần đây, ông thu lãi trên 150 triệu đồng/năm.
Ông Khuể chăm sóc cây trồng của gia đình

Tâm sự với chúng tôi, ông Khuể cho biết, ông thuê được 2 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả của bà con nông dân trong xã với giá 300.000 đồng/sào/năm. Nhận thấy cây màu có giá trị cao hơn lúa rất nhiều nên ông đã mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu quanh năm. Song nếu chỉ trồng trồng màu thì thu nhập chỉ được 30-50 triệu đồng, chưa tương xứng với tiềm năng của đất. Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy thị trường cần nhiều loại cây trồng khác nhau có giá trị kinh tế cao hơn nên ông đã đa dạng hóa các loại cây trồng trong mô hình: 125 hốc cây thanh long, 3000 gốc cây đinh lăng, còn lại là ớt, bí đao và các loại quất, táo, đào... Chỉ tính riêng cây ớt, năm 2016 này ông đã thu lãi trên 50 triệu đồng.

Trên 20 năm gắn bó với đồng ruộng, ông nổi tiếng là người mê ruộng, mê đất và chịu khó tìm tòi, học hỏi. Mặc dù đây là vùng đất khô cằn, khó làm, nếu cấy lúa chả được là bao nhưng ông vẫn quyết tâm làm bằng được. Ông nói: “Đất không phụ lòng người, song cần phải tìm hiểu kỹ đặc tính, thời gian sinh trưởng, thị trường tiêu thụ mới đưa vào gieo trồng. Việc trồng xen nhiều loại cây  khác nhau trên một mảnh đất rất có lợi. Trước hết là lấy cây ngắn nuôi cây dài, có thể một vụ trồng 3-4 thứ cây, hỏng cây này đã có cây khác”.

Chọn cây làm vườn, lách vụ để có thị trường giá cao là cách mà ông Khuể đang áp dụng. Cách làm này của ông không mới nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Nam - thôn Kim Châu 2 cho biết: “Tôi thấy hiệu quả làm vườn của ông Khuể rất cao, chúng tôi và các hộ dân cần phải học tập theo mô hình này”.

Hiện nay tích tụ ruộng đất đang là chủ trương được cấp ủy chính quyền địa phương huyện Đông Hưng chỉ đạo thực hiện. Để không còn những cánh đồng bỏ hoang thì ngoài các chủ trương chính sách của nhà nước cần phải có những người dám nghĩ dám làm như người nông dân giỏi này.

Tác giả bài viết: Mai Thị Thu Hương

Nguồn tin: www.khuyennongvn.gov.vn