Thái Nguyên: Nâng cao thu nhập từ trồng lúa hữu cơ

Thái Nguyên: Nâng cao thu nhập từ trồng lúa hữu cơ
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế; bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Mô hình này đang được Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai nhân rộng.
luahuuco.jpg
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Tân Đức, vụ xuân 2018.

Vụ mùa năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Tân Đức (Phú Bình) với diện tích 15,5ha, thực hiện trên cánh đồng chung của 3 xóm: xóm Ngoài, xóm Viên, xóm Trại Vàng; sử dụng giống lúa lai ba dòng B-TE1 của Công ty Bayer.

Vụ xuân năm 2018, Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) mở rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Tân Đức, với diện tích 44ha, 330 hộ tham gia; triển khai mới tại phường Lương Sơn (TP. Sông Công), quy mô trên  9,2ha, 52 hộ tham gia.

Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, cho biết, tại xã Tân Đức, mô hình sử dụng chủ yếu giống GS9 và khoảng 10 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) lúa giống J02; còn tại phường Lương Sơn, mô hình sử dụng giống lúa J02.

Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên. Công ty Quế Lâm phương Bắc bán  phân bón trả chậm 180 ngày, kể từ ngày cấp phân bón; cam kết thu mua 50% sản lượng với giá thành cao hơn thị trường.

Lúa J02 sản xuất theo hướng hữu cơ tại phường Lương Sơn có số hạt chắc đạt 149 hạt, tỷ lệ hạt lép 7%; năng suất dự kiến đạt 54 tạ/ha, thu lãi 602.000 đồng/sào. Còn tại xã Tân Đức, sản xuất giống lúa lai GS9 theo hướng hữu cơ năng suất đạt 62tạ/ha; thu lãi 646.000 đồng/sào, trong khi giống J02 cho lãi 753.000 đồng/sào.

Theo ông Dương Sơn Hà, qua 2 vụ sản xuất, nông dân tham gia mô hình đã nắm được quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; đã tuân thủ các quy định như sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng, phân hữu cơ khoáng, hữu cơ vi sinh ), giảm phân vô cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học và làm cỏ bằng tay.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Quế Lâm, đến năm 2021, sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Phú Bình đạt 250ha. Dự kiến, vụ mùa năm 2018, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ được nhân rộng lên 56ha tại cánh đồng mẫu lớn xã Tân Đức và năm 2019 sẽ triển khai tại 2 xã Xuân Phương và Úc Kỳ (huyện Phú Bình).

Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo  Dương Trung Kiên/kinhtenongthon.vn