Thái Nguyên: Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ
- Thứ bảy - 13/01/2018 08:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thương hiệu bưởi Tiên Hội - Đại Từ đang được thị trường trong nước đánh giá cao.
Thu nhập cả tỷ đồng/năm
Những năm gần đây, thương hiệu bưởi Tiên Hội (Đại Từ) được nhiều người trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên biết đến. Bưởi Tiên Hội nổi tiếng bởi quả to, tròn, vàng tươi, nhiều nước, có vị rất đậm đà. Đặc biệt, thời gian lưu trữ loại quả này dài, quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản đều thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Người đầu tiên mang giống bưởi này về trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao là ông Trần Văn Quy, xóm Tiên Trường 1, xã Tiên Hội.
Bưởi Tiên Hội được gia đình ông Quý trồng gần 20 năm nay. Hiện, trung bình mỗi năm gia đình ông thu về 20 tấn quả, giá bán dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, doanh thu từ 400 - 800 triệu đồng/năm.
Hiện, giống bưởi này đã được huyện Đại Từ xây dựng thương hiệu bưởi Tiên Hội với mục đích đẩy nhanh phát triển thương hiệu nông sản cho quê hương. Đồng thời đây cũng là điểm nhấn cho phong trào phát triển sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Tại xóm Bầu 2, xã Văn Yên, (Đại Từ), nổi lên mô hình kinh tế VAC của cựu chiến binh Lý Văn Thiệp. Mô hình VAC của ông Thiệp rộng 21ha, cho thu nhập khoảng 20 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, ông thu lãi nhiều tỷ đồng/năm. Không dừng lại ở đó, ông Thiệp đã giúp 8 hộ dân tại địa phương thoát nghèo, có thu nhập trung bình từ 50 - 350 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Lý Văn Thiệp cho thu nhập 20 tỷ đồng/năm.
Hay, HTX Chăn nuôi động vật bản địa ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương) rộng 5ha và 12 gia trại vệ tinh của xã viên chủ yếu chăn nuôi các giống động vật bản địa như: lợn rừng, hươu sao, ngựa bạch… Do đầu tư thức ăn thấp, chủ yếu là tận dụng nguồn cỏ, cây sẵn có nên lại mang giá trị kinh tế cao.
Do nắm bắt và làm chủ được kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên việc lựa chọn con giống nhân đàn, cùng chế độ chăm sóc dinh dưỡng khoa học, đến nay tổng đàn lợn rừng luôn giữ ở mức 300 - 400 con, ngựa bạch 60 con, hươu sao 400 con và hơn 2.000 gốc bưởi, cam các loại...
Hiện, giá hươu nuôi tại hợp tác xã luôn giữ ở mức 200.000 -220.000 đồng/kg; lợn rừng 100.000 - 120.000 đồng/kg hơi; ngựa bạch tùy độ tuổi, độ thuần chủng, có giá từ 20 - 100 triệu đồng/con...
Với số vốn đầu tư 500 triệu đồng, đến nay, trang trại chăn nuôi động vật bản địa đã phát triển thành hợp tác xã, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, 2 năm trở lại đây, doanh thu của hợp tác xã đạt trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Nhiều mô hình giúp thoát nghèo, làm giàu
Mô hình nuôi hươu của HTX Chăn nuôi động vật bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây XDNTM Thái Nguyên, hiện trên địa bàn tỉnh có 48 mô hình kinh tế được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với số vốn hỗ trợ trên 3,752 tỷ đồng. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ của Chương trình XDNTM, các hộ dân cùng các đoàn thể còn chung tay xây dựng, phát triển kinh tế hướng tới thoát nghèo, vươn lên làm giàu
Điều này có thể nhận thấy rõ nhất tại xã Lâu Thượng (Võ Nhai). Địa phương này đã và đang đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng cây ăn quả. Theo đó, cây cam Vinh được lựa chọn và đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Hiện, có khoảng 200 hộ trồng cam Vinh với diện tích trên 100ha. Với những vườn cây từ 10 năm tuổi trở lên, năng suất đạt 3 - 4 tạ/sào, giá bán hiện nay từ 30.000- 40.000 đồng/kg, nhiều gia đình có thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi ngựa bạch của HTX Chăn nuôi động vật bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, mô hình trồng bí xanh cũng được nhiều nông dân ở các huyện Phú Bình, Phổ Yên và Đại Từ áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản tại huyện Phú Bình cũng đang được chính quyền địa phương khuyến khích, không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn mang lại thu nhập cao cho người dân.
Từ việc hỗ trợ, nhân rộng các mô hình đã mở ra những hướng đi mới trong phát triển sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang tính đặc thù của từng địa phương. Các mô hình đều mang lại giá trị kinh tế cao, có khả năng nhân rộng, tạo thêm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hoàng Văn - Ngọc Liên/kinhtenongthon.com.vn