Thái Thụy: Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

Thái Thụy: Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới
Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, huyện Thái Thụy đã có những cách làm thiết thực, đưa nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, đưa công cuộc xây dựng NTM của huyện đạt được những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp, xây dựng, diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, đổi mới.

Diện mạo nông thôn Thái Thụy.

Xã Thụy Duyên nằm cách xa trung tâm huyện Thái Thụy, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Khi bước vào xây dựng NTM xã mới hoàn thiện 7 tiêu chí, các tiêu chí còn lại phải hoàn thành đều liên quan đến xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, sau khi triển khai Pháp lệnh số 34, xã đã có nhiều cách làm hay, tạo sự đồng thuận của người dân trong xây dựng NTM. Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã đồng lòng tự nguyện hiến đất, góp công sức, tiền của để góp phần cùng địa phương hoàn thành 19 tiêu chí NTM, về đích cuối năm 2016. 

Kết quả xây dựng NTM, toàn xã đã huy động nhân dân đóng góp và con em xa quê ủng hộ được gần 22 tỷ đồng, 70.335m2 đất nông nghiệp để làm đường, thủy lợi nội đồng; đào đắp được hơn 40.000m3 bờ vùng, bờ thửa, bê tông hóa hơn 10km đường giao thông trục thôn, xã, nội đồng, xây mới trường mầm non xã, 16 phòng học trường tiểu học, THCS… 

Ông Vũ Trọng Phới, Chủ tịch UBND xã Thụy Duyên cho biết: Có được kết quả trong xây dựng NTM chính là nhờ xã phát huy cao độ việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, xác định rõ nhân dân chính là chủ thể xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Địa phương đã thực hiện giao toàn bộ các công trình nhóm 1 như giao thông nông thôn và nội đồng, cứng hóa kênh mương cho cộng đồng dân cư thôn hoặc xóm thực hiện, đồng thời tự bàn bạc, thống nhất, lập dự toán xây dựng công trình, huy động, quyết định mức đóng góp và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát.

Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được xây dựng tạo thuận lợi cho người dân Thái Thụy sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các địa phương trong huyện Thái Thụy gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng NTM, cải cách thủ tục hành chính, tích tụ ruộng đất…, được người dân đồng tình và thực hiện hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. 

Theo ông Nguyễn Như Quang, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thái Thụy: Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34 huyện đạt hiệu quả rất thiết thực, hợp lòng dân, nhất là trong xây dựng NTM. Việc huy động các nguồn lực để xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng nông thôn ở địa phương đều thực hiện tốt công tác dân chủ như dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, giúp người dân nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm chủ thể trong xây dựng NTM. Từ đó người dân nguyện đóng góp trí tuệ, công sức, vật chất, đất đai để xây dựng các công trình nông thôn, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí NTM. Kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2016, huyện đã sớm hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, hoàn thành đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Đến ngày 31/7/2017, toàn huyện đã hoàn thành 802/893 tiêu chí, 29/47 xã về đích NTM, 1 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Xác định thực hiện Pháp lệnh số 34 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa là mục tiêu và giải pháp mấu chốt, quyết định sự thành công trong xây dựng NTM, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thái Thụy tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong xây dựng NTM. Qua đó, góp phần đưa Thái Thụy trở thành huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018.

Theo Trần Tuấn/Báo Thái Bình.vn