Thắng lớn nhờ nuôi tôm công nghệ cao

(Thủy sản Việt Nam) - Đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm hai giai đoạn, VietGAP… là những mô hình đang được nhiều người dân trên cả nước áp dụng, bước đầu cho hiệu quả khả quan.
Nuôi tôm công nghệ cao được nhiều địa phương áp dụng       Ảnh: PTC

Nuôi tôm trong nhà kính tại Thái Bình

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Thái Bình” được Sở KH&CN tỉnh Thái Bình hỗ trợ DNTN Phương Nam (huyện Thái Thụy) thực hiện cuối năm 2012. Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong nhà kính kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm” để giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, công nghệ nuôi tôm nhà kính của DNTN Phương Nam đã đưa từ hai vụ nuôi/năm (nuôi truyền thống) lên 4 vụ nuôi/năm, năng suất từ khoảng 1 kg/m2 (nuôi truyền thống) lên trên 2 kg/m2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm 70 - 75 con/kg (nuôi truyền thống) lên 30 - 35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi.

Dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi, sớm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi… Đồng thời, hai vụ nuôi trái vụ nên đã tránh được tình trạng “được mùa thì rớt giá” trong sản xuất.

Nuôi tôm hai giai đoạn ở Kiên Giang

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn trong ao lót bạt đáy có mái che bằng lưới lan để giảm những tác động bất lợi của môi trường.

Mô hình được trung tâm thực hiện tại Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống Thủy sản Thứ Sáu Biển (huyện An Biên) và Ba Hòn (huyện Kiên Lương). Theo đó, giai đoạn I, tôm giống cỡ 11 - 12 được ương vèo trong ao (500 m2) lót bạt đáy có mái che bằng lưới lan 100%, mật độ 600 con/m2, thời gian 25 - 30 ngày. Sau đó, chuyển sang nuôi diện rộng trong giai đoạn II, ao (2.000 m2) lót bạt đáy có mái che bằng lưới lan 50%, mật độ 150 con/m2, thời gian nuôi đến thu hoạch 60 - 75 ngày. Kết quả, mô hình tại Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống Thủy sản Thứ Sáu Biển, tỷ lệ tôm nuôi sống 80%, hệ số thức ăn cả hai giai đoạn 1,38, cỡ tôm thu hoạch trung bình 37 con/kg, sản lượng 6,6 tấn tôm thương phẩm, giá bán 161.000 đồng/kg, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chí phí trực tiếp và khấu hao tài sản, còn lợi nhuận 450 triệu đồng, với tỷ suất lợi nhuận lên đến hơn 78%. Mô hình tại Ba Hòn cũng với quy mô diện tích và mức đầu tư tương tự, sản lượng thu hoạch đạt 6 tấn tôm thương phẩm (do tỷ lệ sống thấp hơn) nên mức lợi nhuận thấp hơn chút ít. Tuy nhiên, mô hình có mức đầu tư ban đầu tương đối cao, do phải cải tạo, làm mới lại toàn bộ hệ thống nuôi, gồm: ao lắng, ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng ao nuôi giai đoạn I và II.

Bên cạnh đó, đầu năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Kiên Giang đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP trên địa bàn xã Dương Hòa, Bình An, huyện Kiên Lương với diện tích 20.000 m2. Mô hình thả giống 3 đợt, mật độ 80 con/m2 và tổng lượng giống thả 1,6 triệu con. Qua 3 tháng nuôi chăm sóc và quản lý mô hình đạt tỷ lệ nuôi đạt 80%. Một số hộ nuôi thu hoạch đạt kích cỡ 55 - 60 con/kg, sản lượng bình quân 4.000 - 5.200 kg thương phẩm/4.000 m2. Giá bán tôm thương phẩm trên thị trường dao động 120.000 - 130.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ tham gia mô hình cho lợi nhuận 250 - 290 triệu đồng/ha.

Nuôi tôm bền vững ở Long An

Trước mắt, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 2224/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An đến năm 2020, giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Trong giai đoạn này, Long An sẽ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cấp thoát nước phù hợp cho từng vùng nuôi tôm, phát triển giao thông, điện lưới trung thế phục vụ nuôi tôm nước lợ tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ. Tỉnh Long An cũng ban hành Quyết định 05/2016/QĐ-UBND sửa đổi quy định về chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn. Theo đó, hộ nuôi tôm nào dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng/ao và mức 35 triệu đồng/ao cho những hộ nào cải tạo ao nuôi thành ao lắng với điều kiện các hộ phải nằm trong các tổ sản xuất.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cho người nuôi tôm, đặc biệt trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nước, Sở KH&CN Long An đã nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm thành công mô hình ứng dụng công nghệ nano bạc trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại hai xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc), cho hiệu quả kinh tế, môi trường rất cao. Trung bình sau 3 tháng thả nuôi, một ao tôm 5.000 m2 có thể cho thu nhập lên đến 500 triệu đồng nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến này...


>> Ông Tạ Văn Nguyễn Hoàng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Long An cho biết, có hai vấn đề cần phải quan tâm để hướng tới sản xuất bền vững về mặt môi trường: Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân trong cộng đồng. Thứ hai, công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp liên ngành cần phải được thắt chặt để quản lý nguồn tài nguyên.
Anh Vũ 
http://thuysanvietnam.com.vn/