Thạnh Hóa: Phấn đấu đến năm 2020 có 4 xã đạt chuẩn NTM

Thạnh Hóa: Phấn đấu đến năm 2020 có 4 xã đạt chuẩn NTM
Những năm gần đây, huyện Thạnh Hóa (Long An) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Xoay quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện.

Đường liên ấp 1 - ấp 4 , xã Thủy Tây do người dân tự thi công.

 

Thưa ông, ông có thể cho biết một số kết quả trong việc đưa nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống trên địa bàn huyện  thời gian qua?

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là Nghị quyết 08 của Tỉnh uỷ Long An,  Huyện ủy Thạnh Hóa đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 34-CTr/HU ngày 08/1/2009 và Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 13/4/2010 của UBND huyện. Bằng sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền và người dân, đến nay Thạnh Hóa đã đạt được một số kết quả khả quan.

Huyện đã hoàn thành công tác lập quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Trong đó quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của địa phương với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn như xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn, các vùng chuyên canh khóm (dứa), khoai, chanh, vùng chăn nuôi tập trung 400ha tại xã Thạnh An, vùng nuôi thủy sản, vùng lâm nghiệp tập trung.

Điểm nổi bật là huyện thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế và năng lực áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao như: Doanh nghiệp Tư nhân Phú Gia (Ba Huân), Công ty CP Frefarm, Trang trại chăn nuôi Dư Hoài và Công ty TNHH Đầu tư Việt Mai. 

Những năm qua, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của Trung ương, tỉnh và nguồn ngân sách địa phương, huyện đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ mặt nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét. Hiện 100% số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống thủy lợi,  điện sinh hoạt, trạm bơm điện vừa và nhỏ nông thôn khu vực Đồng Tháp Mười đã đáp ứng nhu cầu trên 99,7%.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm xuống dưới 3,8%, có 98% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 76,36%.

Thưa ông, sau 6 năm thực hiện Chương trình XDNTM, Thạnh Hóa đạt được kết quả gì?

Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ VI (2015-2020)  đã đề ra nhiều chương trình đột phá nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chính trị tại địa phương. Trong đó, có chương trình đột phá xây dựng xã đạt chuẩn NTM.

Từ Chương trình hành động số 09-CTr/HU ngày 21/7/2011 của Huyện ủy  Thạnh Hóa, UBND huyện đã xây dựng Chương trình số 234/CTr-UBND ngày 19/3/2012 về việc XDNTM trên địa bàn vùng nông thôn huyện giai đoạn 2010-2020. Năm 2011, khi bắt tay XDNTM, huyện có điểm xuất phát thấp, hệ thống hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu và không đồng bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nếu tính bình quân chỉ đạt 8,2/19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã hiện cùng với sự đồng thuận đông đảo của các tầng lớp nhân dân, qua 6 năm thực hiện, bình quân các xã  đạt 15/19 tiêu chí. Năm 2014, xã Tân Tây đạt chuẩn NTM; năm 2017 có Thạnh Phước.

Để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Chương trình XDNTM, từ nay tới năm 2020, huyện đang hướng vào mục tiêu chủ yếu nào, thưa ông?

Thời gian tới, UBND huyện sẽ thực hiện một số mục tiêu sau:

Tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn, nhất là các xã nằm trong lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM từ nay đến năm 2020, trong đó chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, phát triển sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có 4/10 xã đạt chuẩn NTM.

Tập trung phát triển ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung xây dựng hoàn chỉnh vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 2.000ha; vùng chuyên canh 600ha khóm, 2.000ha khoai mỡ, 200ha chanh, dưa hấu và nuôi trồng thủy sản, nhất là khu chăn nuôi tập trung khép kín, công nghệ kỹ thuật cao trên 400ha tại xã Thạnh An

Phối hợp các sở, ngành thực hiện xây dựng thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư  xây dựng các nhà máy, trang trại phục vụ cho chế biến và sản xuất nông sản theo hướng áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị các mặt hàng chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc Đảng bộ, chính quyền và người dân Thạnh Hóa sớm về đích.
 

Theo Nguyễn Văn Bớt/KTNN.vn