Thanh Hóa nhân rộng mô hình tổ an ninh xã hội
- Thứ ba - 20/08/2013 20:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thắt chặt tình làng, nghĩa xóm
Chỉ một đoạn đường bê-tông liên thôn rộng 2,5 m, khang trang, sạch sẽ vừa hoàn thành tại thôn 7, xã Ðông Ninh (Ðông Sơn) có đến ba tấm biển: "Ðoạn đường phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp", "Hội Nông dân bảo vệ trật tự an toàn giao thông (ATGT)", "Thiếu niên tiền phong-đoạn đường em chăm". Anh Lê Lệnh Kính, Công an viên xã, đồng thời là Tổ trưởng ANXH cụm 1, phân trần: "Trước đây, mỗi khi mưa đổ xuống, bùn ngập lên mắt cá chân người. Sau khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là khi tổ ANXH được thành lập, bà con nhất trí đóng từ 700 nghìn đồng đến một triệu đồng/khẩu làm đường bê-tông, tùy điều kiện của từng thôn, cụm".
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Minh Ðoàn, ở thôn 7 cho biết: "Gia đình tôi gồm bảy khẩu. Hiện, năm đứa con đi làm xa, ở nhà chỉ còn vợ chồng già nhưng khi được vận động đóng tiền làm đường, vợ chồng tôi đóng luôn cả bảy suất. Mình góp tiền, gia đình mình hưởng lợi đầu tiên, sau là bà con chòm xóm. Vậy thì phải tự nguyện chứ". Tổ ANXH cụm dân cư số 1 có hai chục gia đình, ba tháng sinh hoạt tổ một lần. Trong câu chuyện thân tình, bà Hoàn, vợ ông Ðoàn chia sẻ: "Cuộc sống nơi thôn dã vốn bình yên, không xô bồ, bon chen như ở thành phố lớn nhưng đôi lúc vẫn âm ỉ những mâu thuẫn "con cá, lá rau" ngày này qua tháng khác. Chỉ cần một lý do nhỏ là thổi bùng lên, nhiều khi trở thành mâu thuẫn của cả gia đình, dòng họ, rất khó giải quyết. Từ ngày có tổ ANXH, hễ ở đâu có xô xát, to tiếng là các thành viên kịp thời có mặt, khuyên nhủ, hòa giải để đôi bên thuận hòa. Thậm chí, trước đó bà con trong xóm nuôi gia súc, trâu bò thả rông phóng uế bừa bãi. Thì nay, nhà ai dắt trâu, bò đi ngoài ngõ đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung để đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Việc cắt cử mọi người đi tuần tra ngày đêm góp phần giảm rõ rệt tệ nạn trộm cắp vặt, trộm chó, cánh đàn ông ít uống rượu say, bớt đi cảnh đánh đập vợ con. Tháng trước, anh Lê Bá Ðô qua đời, vì không phải người dân gốc trong làng, nhưng khi anh mất, anh Kính đã đứng ra yêu cầu các thành viên trong tổ giúp gia đình lo tang lễ chu đáo. Tiếp nối câu chuyện của bà Hoàn, chị Nguyễn Thị Hương là gia đình công giáo, ở thôn 11 cho rằng: Mô hình tổ ANXH đã giúp chúng tôi "tối lửa, tắt đèn có nhau", mọi người trong giáo sứ tham gia tổ ANXH và sống đẹp đời, tốt đạo.
Những câu chuyện của tổ ANXH cụm 1, ở thôn 7, thôn 11, xã Ðông Ninh chỉ là một thí dụ điển hình trong hàng chục nghìn tổ ANXH đang hoạt động hiệu quả. Mỗi tổ ANXH bao gồm từ 15 đến 30 hộ gia đình liền kề ở khu dân cư. Tổ trưởng, tổ phó do các thành viên trong tổ bầu, được Chủ tịch UBND xã (phường) quyết định công nhận. Nội dung hoạt động của tổ được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT); các vấn đề về an sinh xã hội, giúp nhau vay vốn, cây con, giống không lấy lãi,... Nhiều tổ vận động thành viên tự nguyện đóng quỹ hàng chục triệu đồng, ngoài việc chi cho sinh hoạt tổ, hội họp, thắp đèn chiếu sáng khu dân cư, bồi dưỡng tuần tra ban đêm, bảo đảm ANTT, rồi còn cho vay hỗ trợ hộ nghèo, khen thưởng con em có thành tích trong học tập, thăm hỏi, động viên khi ốm đau, hoạn nạn...
Về xuất xứ ra đời của tổ ANXH, Ðại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ðào Ðức Minh cho biết: Thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (1988-2008), năm 2008, Ban chỉ đạo 138 T.Ư chọn Thanh Hóa để chỉ đạo điểm thực hiện đề án "Phát động toàn dân tham gia phòng, ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng khu dân cư". Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Ðề án 375 và Chỉ thị số 10 về "Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự". Ðề án 375, Chỉ thị 10 ra đời, là cơ hội củng cố Ban chỉ đạo (BCÐ) về ANTT xã, các tổ ANTT thôn, bản, khu phố (do lực lượng Công an xã đảm nhiệm) và thành lập tổ ANXH ở cộng đồng dân cư. Sau năm năm triển khai, các nội dung này đã thật sự đi vào cuộc sống, bám rễ sâu trong đời sống cộng đồng. Với chủ đề "Từng người, từng nhà, từng cơ quan đơn vị, trường học hãy làm nhiều việc tốt về ANTT", lực lượng công an đã tiếp nhận gần 57 nghìn nguồn tin tố giác tội phạm, liên quan đến ANTT qua đường dây nóng. Trong đó, gần 30 nghìn tin có giá trị, giúp cho việc điều tra, xử lý gần chín nghìn vụ, việc. Nhờ đó, số vụ phạm pháp hình sự ở tỉnh Thanh Hóa giảm 5,6% so giai đoạn trước khi triển khai thực hiện Ðề án 375.
Trách nhiệm của toàn dân
Phó Bí thư Ðảng ủy phường Ðông Vệ , TP Thanh Hóa Nguyễn Duy Hùng cho rằng: Bảo vệ xã, phường bình yên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, không thể coi việc phòng, chống tội phạm chỉ là của lực lượng công an". Vì vậy, ngoài việc thành lập tổ ANXH, Công an phường đã tham mưu cho Ðảng ủy, chính quyền phường thực hiện mô hình liên kết phường - trường học - bệnh viện trong giữ gìn ANTT. Hiện y, bác sĩ nhân viên trong bệnh viện không chỉ lo khám, chữa bệnh; thầy trò trong trường không chỉ lo chuyện học hành, mà thấy hiện tượng nghi vấn đã báo cho Công an phường bắt 12 đối tượng trộm cắp tài sản trong Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong hai năm. Ở phường Ðông Sơn có mô hình liên kết phường và trường học giúp học sinh THPT và sinh viên Trường đại học Hồng Ðức thực hiện quy chế văn hóa, giữ gìn ANTT trên địa bàn.
Ðến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 637 BCÐ ANTT ở tất cả các xã, phường, thị trấn bảo đảm sự tập trung, thống nhất, hiệu quả cao trong quá trình hoạt động. Hơn sáu nghìn tổ bảo vệ ANTT thôn, bản, khu phố góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại khu dân cư. Hơn 34 nghìn tổ ANXH được thành lập, thu hút 99,2% số hộ gia đình tham gia. Ðại tá Ðào Ðức Minh nhấn mạnh: "Ðề án 375 và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh là một sáng tạo trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự. Mô hình tổ ANXH được xây dựng phù hợp với thực tiễn. Thực tế, qua khảo sát cho thấy, khi được tham gia các tổ ANXH, các hộ gia đình không chỉ có điều kiện giám sát lẫn nhau trong công tác bảo đảm ANTT, mà thông qua các hoạt động tình nghĩa, còn giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, có ý thức xây dựng, gìn giữ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng dân cư.
Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa Ðào Trọng Quy khẳng định: "Việc triển khai thực hiện Ðề án 375 và Chỉ thị số 10 tại TP Thanh Hóa góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tạo sự đoàn kết gắn bó trong từng khu dân cư. Mặc dù là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao nhất trong tỉnh với hàng trăm dự án giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nhưng với những giải pháp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thành phố không để nảy sinh tình trạng khiếu kiện phức tạp kéo dài, trở thành điểm nóng. Tỷ lệ phạm pháp hình sự giảm 10% so với năm năm trước khi có đề án, chỉ thị".
"Cánh tay" nối dài của chính quyền cơ sở
Quá trình triển khai thực hiện đề án "Xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT" ở Thanh Hóa đã góp phần củng cố hơn 7,5 nghìn chi bộ thôn, bản hoạt động yếu kém, có biểu hiện mất đoàn kết, xóa các bản không có đảng viên tại các bản người Mông, làm tốt công tác phát triển Ðảng; huy động các tổ chức đoàn thể, như MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên... tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn dân cư. Thực tế cho thấy, Ðề án 375 và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh Thanh Hóa là một chủ trương đúng đắn, sát hợp với cơ sở, đi vào lòng dân. Nếu ở huyện Nông Cống phát huy tốt vai trò dòng họ tự quản trong xây dựng khu dân cư về ANTT, thì TP Thanh Hóa lại phát huy tốt vai trò của Hội Cựu chiến binh - nhân tố tích cực trong phối hợp với lực lượng công an tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT ở địa bàn dân cư. Huyện Hậu Lộc triển khai hiệu quả các "Tổ thuyền tự quản"; huyện Nga Sơn phát huy vai trò của "Doanh nhân với ANTT".
Theo Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo ANTT xã Ðông Ninh (Ðông Sơn) Lê Ðức Thanh: Các tổ bảo vệ ANTT thôn, tổ ANXH ngày càng làm tốt vai trò là cánh tay nối dài của lực lượng công an xã, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới. Từ thực tế này, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa Ðào Trọng Quy cho rằng: Cần có cơ chế cho phép chính quyền cơ sở được huy động kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ, động viên tổ ANXH hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà Ðề án 375 quy định; có kinh phí hỗ trợ lực lượng công an tập huấn nghiệp vụ hằng năm đối với lực lượng bảo vệ dân phố, bảo vệ ANTT thôn. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với lực lượng công an xã, cán bộ nòng cốt. Bên cạnh đó, cần có kinh phí để duy trì công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn khu dân cư thường xuyên, lâu dài hoặc khuyến khích địa phương chủ động xây dựng "Quỹ ANTT" trên cơ sở tự nguyện đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn dân cư.
theo nhandan