Thành công dồn điền đổi thửa: Thêm nhiều cánh đồng trăm triệu
- Thứ tư - 01/06/2016 03:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau dồn đổi, đồng ruộng đẹp như tranh
Trò chuyện với phóng viên, ông Đinh Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Trung Giã (Sóc Sơn) cho biết, trước đây ruộng đất trên địa bàn rất manh mún do bị xé nhỏ ra nhiều thửa, có thửa diện tích chưa được 100m2 nên bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, khó áp dụng máy móc vào khâu làm đất, thu hoạch. Tuy nhiên, sau khi thực hiện DĐĐT, mỗi gia đình chỉ còn 1-2 thửa ruộng, diện tích lên tới cả nghìn m2, tạo điều kiện thuận lợi để xã chuyển đổi, quy hoạch thành các vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn.
Anh Khổng Xuân Thủy (thôn Đo, xã Trung Giã) trồng dưa thu lãi 4-5 triệu đồng/sào. Ảnh: H.V
Sau 5 năm xây dựng NTM, diện mạo huyện Sóc Sơn đã có nhiều thay đổi rõ nét, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
“Ban đầu, việc DĐĐT của xã gặp rất nhiều khó khăn do ý kiến của bà con không thống nhất, ai cũng muốn gia đình mình có được thửa ruộng đẹp, không ai muốn nhận ruộng xấu. Bởi vậy, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ gia đình, trong đó cán bộ, hội viên tổ chức đoàn thể tiên phong, chủ động DĐĐT. Thấy những hộ làm trước sau dồn đổi có ruộng đẹp, bằng phẳng nên bà con bắt đầu làm theo. Cũng nhờ làm tốt DĐĐT mà xã có quỹ đất dư để làm đường giao thông nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng đẹp hơn” - ông Thọ chia sẻ.
Còn tại xã Tân Hưng, để thực hiện DĐĐT hiệu quả, xã đã cùng các thôn mở hơn 30 cuộc họp lớn nhỏ tại hội trường để nghe ý kiến phản hồi, trả lời những vướng mắc của người dân. Trong quá trình DĐĐT, xã thực hiện bốc thăm dân chủ, công khai nên người dân đều đồng tình.
Nhờ thế, chỉ trong thời gian ngắn, huyện Sóc Sơn đã trở thành huyện dẫn đầu thành phố trong việc hoàn thành DĐĐT với diện tích gần 13.000ha. Trao đổi với NTNN, ông Hoàng Chí Dũng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết: “Sau DĐĐT, huyện đã khuyến khích người dân đầu tư máy móc vào sản xuất, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất từ 63% năm 2010 lên trên 90% năm 2015, góp phần tăng năng suất lúa lên trên 50 tạ/ha. Nhờ sản xuất trên thửa ruộng lớn nên các chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động của bà con giảm tới 40%. Ngoài ra, sau DĐĐT, huyện cũng kết hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm đầu tư sản xuất”.
Đa dạng các mô hình sản xuất
Sau khi hoàn thành chương trình DĐĐT, huyện Sóc Sơn đã tập trung khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn.
Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Phương, nông dân thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn), chị cho biết gia đình đang nuôi hơn 500 con gà mía thả đồi và gà chọi để vừa bán thịt, vừa cung cấp con giống cho người dân quanh vùng. Chị chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, phân được xử lý bằng chế phẩm sinh học, thức ăn từ lúa, cám, rau, củ quả nên chất lượng gà thịt rất thơm ngon, bán được giá cao. Ngoài ra, chị còn trồng mấy chục gốc bưởi Diễn, mỗi năm thu hoạch quả một lần vào dịp tết nhưng doanh thu rất khá. Tính sơ sơ, mỗi năm gia đình chị có thu nhập vài trăm triệu đồng.
Còn ở xã Trung Giã, trên cánh đồng thôn Đo nay đã được phủ xanh bởi các loại rau màu trồng theo quy trình VietGAP, an toàn. Ông Trần Văn Luân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giã cho hay: “Sau DĐĐT, xã đã quy hoạch được trên 20ha đất trồng rau an toàn. Chỉ tính riêng thôn Đo đã có trên 50% số hộ trồng ít nhất một vụ rau hoặc dưa trong năm, đồng thời vẫn duy trì sản xuất lúa để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Thực tế cho thấy, những năm qua thu nhập từ sản xuất rau an toàn luôn cao hơn trồng lúa từ 3-4 lần cấy lúa nên bà con nông dân rất phấn khởi”.
Vừa nhanh tay thu hoạch dưa chuột, anh Khổng Xuân Thủy, nông dân thôn Đo vừa vui vẻ chia sẻ: “Với 5 sào đất sau dồn đổi, tôi trồng dưa chuột, mỗi vụ thu trên 2 tấn quả/sào, trừ chi phí lãi 4- 5 triệu đồng/sào. Vào tháng 8 hàng năm, khi hết mùa dưa tôi lại chuyển sang trồng rau ăn lá các loại. Mỗi ngày cắt bán cho thương lái 1-2 tạ rau mà vẫn không đủ cung ứng. Từ ngày có ruộng to, thủy lợi nội đồng đầu tư đầy đủ, làm ruộng sướng hẳn”.
theo Dân Việt