Thanh long ruột đỏ trồng ở Sơn La, quả ngon, bán "đắt như tôm tươi"
- Thứ năm - 20/07/2017 20:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1952, quê gốc Quảng Bình) từng làm công chức tại văn phòng tỉnh ủy Sơn La. Năm 1994, ông quyết định bỏ để về làm vườn, do đồng lương không đủ trang trải cuộc sống. Trên đồi núi huyện Mai Sơn, lão nông trồng ngô, đậu, cà phê và cây ăn quả. Hiệu quả từ mô hình trồng trọt giúp gia đình ổn định kinh tế hơn so với trước đây.
Muốn tìm tòi hướng đi mới, ông lại bắt tay vào thử nghiệm nghề nuôi bò sữa. Trồng trọt thành công, song ông không có duyên với nghề chăn nuôi. Thất bại nhưng không nản lòng, năm 2010, ông lại xoay hướng rồi quyết định mua đất, đầu tư 1.000 trụ và chuyển sang canh tác cây thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, do chất lượng giống không tốt nên khi thu hoạch, kích thước quả nhỏ, hương vị chưa ngon...
Đang loay loay tìm cách tháo gỡ bài toán phát triển kinh tế, ông Vinh tình cờ gặp được một cán bộ viện nghiên cứu cần tìm địa điểm trên Sơn La, để thí điểm mô hình trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ giống mới. Sau khi trao đổi, nhận thấy đây là cơ hội quý giá để thử sức, ông Vinh chớp thời cơ.
Năm 2013, được viện nghiên cứu hỗ trợ cây giống, ông đầu tư 1.400 trụ thanh long và canh tác theo quy trình VietGAP. Trong suốt quá trình trồng, công sức chăm bón không nhiều, chủ yếu làm cỏ bằng các biện pháp thủ công, bón lót phân chuồng, phân hữu cơ và NPK.
Sau một năm, 1.400 trụ thanh long bắt đầu bói quả. Quả cho mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, bán được giá cao hơn. Năm 2015, các trụ thanh long bắt đầu cho nhiều quả hơn, năng suất khoảng 300 triệu đồng mỗi ha. Và đến năm 2016, năng suất đã tăng lên gấp đôi, sản lượng đạt gần 25 tấn, tương đương 600 triệu đồng mỗi ha.
Thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao gấp 9-10 lần các cây trồng truyền thống ở địa phương. Một ha ngô chỉ cho khoảng 50-60 triệu; một ha mía đạt 80-90 triệu đồng mỗi ha là cao. Để giúp người dân Mai Sơn tăng hiệu quả kinh tế, ông Vinh động viên một số hộ trong vùng cùng tham gia mô hình, nhân rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ.
Ông cam kết hỗ trợ toàn bộ giống cây cho bà con, nếu có lợi nhuận mới phải thanh toán tiền cây giống. Do vậy, các hộ trong vùng đồng loạt tham gia. Tháng 3/2016, ông thành lập hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng (tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn) với tổng cộng 21 hộ thành viên tham gia.
Vùng thanh long ViệtGAP được hình thành từ 2013. Ảnh: Bizmedia
Theo bà Nguyễn Thị Dung - Phó giám đốc hợp tác xã Ngọc Hoàng, vườn thanh long của ông Vinh là cơ sở duy nhất tại Mai Sơn đủ điều kiện cung ứng cây giống thanh long ruột đỏ dòng F1 cho các hộ khác mở rộng vườn trồng. Diện tích thanh long của hợp tác xã không ngừng được mở rộng lên 13ha. Kế hoạch cuối năm 2017 sẽ nhân rộng vùng canh tác lên 20-30ha.
"Thanh long ruột đỏ là sản phẩm tương đối mới trên địa bàn tỉnh Sơn La. Hiện nay, sản lượng thanh long của hợp tác xã chỉ mới đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Do vậy, thời gian tới, kế hoạch mở rộng thêm diện tích thanh long đồng nghĩa với việc loại trái cây này sẽ tiếp tục gia tăng về sản lượng, đóng góp hiệu quả kinh tế cho địa phương", chị Dung cho biết.
Theo Thuỷ Hà (VNE)