Tháo gỡ khó khăn cho nghề chăn nuôi lợn ở Hoằng Phong

Tháo gỡ khó khăn cho nghề chăn nuôi lợn ở Hoằng Phong
Hoằng Phong là xã đứng top đầu về lĩnh vực chăn nuôi lợn của huyện Hoằng Hóa trong nhiều năm. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, những người chăn nuôi ở Hoằng Phong đang phải “vật lộn” với vô vàn khó khăn để phát triển tổng đàn.
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi lợn, nhưng bà Lê Thị Nga, thôn Đình Sen, xã Hoằng Phong chưa khi nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Những năm trước, trang trại của gia đình bà với diện tích hơn 3.000m2  lúc nào cũng có trên 500 con lợn, nhưng hiện nay chỉ còn chưa đến 200 con lợn thịt và 50 con lợn nái. Bà Nga, cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y... đều tăng, trong khi đó giá lợn lại giảm nhiều. Lợn trong trang trại bán được 38.000 – 40.000 đồng/kg, những hộ nuôi lẻ bên ngoài bị ép giá chỉ bán được 30.000 - 32.000 đồng/kg”. Được biết, thương lái đến xem lợn còn ngần ngại mua, con nào ăn không đúng hãng cám, mông vai không nở còn bị ép giá xuống thấp nữa, càng nuôi càng lỗ nên nhiều hộ chăn nuôi thôn Đình Sen đang giảm đàn xuống, cố gắng “cầm cự” chờ giá thị trường hồi phục.

Mặc dù không chăn nuôi theo quy mô lớn như bà Nga, nhưng gia đình chị Hoàng Thị Tám, thôn Đại Triều cũng từng là một trong những hộ nuôi lợn “mát tay” có tiếng ở Hoằng Phong. Trước đây, năm nào chị cũng xuất được 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa trên dưới chục con, lãi khoảng 30-40 triệu đồng/năm. Nhưng gần đây, do tình hình giá lợn bất ổn, lúc cao, lúc thấp mà dịch bệnh nhiều nên chị không dám tái đàn. Lo sợ cũng bởi đầu năm vừa rồi, vừa bắt đàn lợn giống về chuồng được mấy hôm đã bị dịch tai xanh, thế là chị “mất trắng” gần chục triệu đồng tiền giống. Bây giờ chị đành phải “treo” chuồng, chuyển sang làm nghề khác. 

Trước kia, xã Hoằng Phong có 4 trang trại lợn thì đến nay chỉ còn 1 trang trại hoạt động cầm chừng. Nhiều hộ chăn nuôi lẻ cũng giảm số lượng con nuôi, thậm chí có gia đình đã ngừng nuôi. Do vậy, tổng số đàn lợn toàn xã chỉ còn 2.500 con, giá trị thu nhập của ngành chăn nuôi nói chung giảm so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2013 đạt 7,021 tỷ đồng, chỉ bằng 37% kế hoạch năm. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết những người dân chăn nuôi ở đây sợ nhất là dịch bệnh. Do chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về phòng trừ dịch, như tai xanh, lở mồm, long móng, dịch tả... nên đàn lợn thường dễ mắc bệnh, dễ bùng phát trên diện rộng. Khi lợn ốm người dân lại “bán đổ, bán tháo” ra ngoài để thu hồi vốn nên dịch càng lây lan rộng, có đợt hầu như nhà nào lợn cũng bị mắc bệnh. Trang trại của gia đình bà Nga mặc dù đã làm chủ được kỹ thuật, phòng trừ được dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn nhưng vẫn chịu tác động gián tiếp do dịch, ảnh hưởng xấu đến đầu ra... Từ giữa tháng 6 trở lại đây, giá lợn có nhích lên đôi chút. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể, những người nuôi ở Hoằng Phong vẫn chưa thực sự yên tâm với nghề. Giá con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các loại vắc-xin đều ở mức cao... Đầu tư nuôi nhiều thì lỗ càng nặng, khó thu hồi được vốn, nên hiện giờ người dân ở đây có tâm lý chỉ nuôi vài con để tận dụng phụ phẩm trong gia đình, lấy khí biogas để đun nấu... Hầu hết người chăn nuôi không còn mặn mà, tha thiết với nghề chăn nuôi lợn giống như trước kia.

Những khó khăn trên không chỉ riêng người chăn nuôi ở xã Hoằng Phong mà còn là khó khăn chung của rất nhiều người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay. Để kịp thời giải quyết vấn đề này, giúp người chăn nuôi yên tâm gắn bó với nghề, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ người chăn nuôi, như tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong cải tạo, chọn lọc giống; trợ giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ giá vắc-xin; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ... Làm được như vậy, những người chăn nuôi ở Hoằng Phong nói riêng và những người chăn nuôi nói chung mới yên tâm gắn bó, phát triển nghề bền vững.