Thị Hoa nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Thị Hoa (Hạ Lang) từng bước được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để về đích nông thôn mới đúng tiến độ, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Một số tuyến đường xóm Thôm Cương, xã Thị Hoa được bê tông hóa.
Chủ tịch UBND xã Thị Hoa Hoàng Văn Chiến cho biết: Thực hiện Chương trình XDNTM, xã đã đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia XDNTM. Từ đó, người dân xác định được ý nghĩa, vai trò, lợi ích trong XDNTM và đồng tình ủng hộ. Từ nguồn vốn được phân bổ và huy động các nguồn lực, xã tập trung đầu tư các hạng mục công trình, như: kiên cố hóa mương thủy lợi, đường nội đồng, giao thông nông thôn, nâng cấp, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất... Giai đoạn 2011 - 2015, xã lồng ghép từ các chương trình 135, IFAD làm đường nội đồng xóm Ngườm Già, đường Cốc Nhan - Đông Cầu - mốc 916; nâng cấp đường đi xóm Pò Măn; thi công tuyến đường Thôm Cương - Kéo Trình; cầu treo Nà Bướng, xóm Khu Đâư; xây mới 4 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình thủy lợi, công trình điện sinh hoạt xóm Bản Nhảng, Khu Noọc, Khu Đâư; nâng cấp Phân trường Thôm Cương; hỗ trợ xây dựng 30 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ dân... với tổng vốn đầu tư trên 12 tỷ đồng. Qua huy động sức dân, có 220 hộ hiến hơn 11.000 m2 đất, trên 1.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình.
Ông Nông Văn Môn, Trưởng xóm Thôm Cương chia sẻ: Được tuyên truyền, vận động XDNTM, nhân dân trong xóm hiểu rõ lợi ích khi có đường bê tông sẽ thuận lợi cho sinh hoạt, lao động sản xuất nên đã đồng tình ủng hộ, hiến trên 2.000 m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động để làm đường lên xóm Kéo Trình, Pò Páo.
Trong phát triển sản xuất, xã mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nhân dân vay vốn phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, xã có trên 140 ha mía, năng suất bình quân đạt trên 55 tấn/ha; sản lượng lương thực bình quân đạt 800 - 1.000 tấn/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 28 triệu đồng/ha... Với địa bàn núi đá, phù hợp với phát triển chăn nuôi dê, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê, đem lại thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm, hiện cả xã có trên 1.000 con dê. Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đến nay, 11/11 xóm có nhà văn hóa; xã có đường ô tô đến 100% xóm; Trạm Y tế xã đạt chuẩn nông thôn mới; 88,7% số dân được sử dụng nước sạch... Diện mạo xã Thị Hoa đang đổi thay từng ngày. Đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới, gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch; thủy lợi; điện nông thôn; bưu điện; thu nhập; tỷ lệ lao động có việc làm; y tế; hệ thống tổ chức chính trị xã hội; an ninh trật tự. Tuy nhiên, xã Thị Hoa còn gặp nhiều khó khăn, như: địa hình đồi núi phức tạp gây cản trở cho việc đầu tư các hạng mục công trình; nguồn vốn được cấp ít, hạn hẹp trong khi việc huy động từ sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân có hạn... Vì vậy, tiến độ thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới chậm so với kế hoạch.
Thị Hoa phấn đấu đến năm 2020 đạt 15 tiêu chí nông thôn mới, kinh tế phát triển bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ... Riêng năm 2017, phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí nông thôn mới về giáo dục, văn hóa. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, xã tiếp tục củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý nước thải theo đúng quy định...; hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Tập trung huy động các nguồn lực, phấn đấu mở rộng và bê tông hóa 15 tuyến đường trục xã, liên xã, liên xóm với tổng chiều dài 15,9 km; bê tông 64 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài trên 6,7 km; làm mới 8 cầu cứng...; đầu tư các hạng mục về cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư. Qua đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố.
Theo Văn Hiếu/Cao Bằng.vn