Thoát nghèo bền vững từ vốn chính sách

Thoát nghèo bền vững từ vốn chính sách
Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nên nhiều năm qua, tại tỉnh Hòa Bình đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế vườn, rừng tại các xã vùng sâu, vùng xa hiệu quả. Ngân hàng này đã trở thành người bạn đồng hành của người dân trong hành trình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Là một trong những hộ nghèo, cuộc sống có nhiều khó khăn. Năm 2012, gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở xóm Đồng Kẹ, xã Hợp Châu, huyện Lương Sơn được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lương Sơn cho vay gần 40 triệu đồng. Cùng với số tiền tích cóp của gia đình, vay mượn người thân, anh Huy đã đầu tư trồng hơn 3 ha rừng keo, xây dựng chuồng trại chăn nuôi 4 con lợn lái, 20 con lợn thịt giống bản địa, 1.500 con gà, vịt. 

Một buổi giao dịch tại xã Yên Mông (TP Hòa Bình) của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Đến nay, gia đình anh Vinh đã có nguồn thu ổn định gần 300 triệu đồng/năm và thoát nghèo bền vững. Vừa qua, gia đình anh tiếp tục được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lương Sơn cho vay thêm 20 triệu đồng và anh tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế trồng rừng và chăn nuôi. Sắp tới, rừng keo với diện tích 3 ha đến kỳ khai thác sẽ đem lại khoản thu khá cho gia đình anh. 

Đến thăm trang trại gà, lợn giống bản địa của gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu và được anh chia sẻ, năm 2014, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lương Sơn cho vay hơn 30 triệu đồng và cùng với số tiền vay mượn thêm, anh Hiếu đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi gần 1.000 con gà, 3 con bò, gần 20 con lợn thịt, 5 lợn lái đều là giống bản địa. Mỗi năm cho gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. 

Anh Hiếu vui mừng cho biết, không chỉ gia đình anh và gia đình anh Huy được vay vốn mà thời gian qua, đã có hàng trăm lượt hộ vay vốn ưu đãi sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Nhiều gia đình đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo vườn tạp, vườn đồi phát triển trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi. Đời sống của bà con xóm Đồng Kẹ giờ đây khá giả lên nhiều, gia đình nào cũng có điều kiện mua sắm được những vật dụng đắt tiền, con cái được học hành đầy đủ… 

Năm 2015 vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lương Sơn đã cho gần 3.000 lượt khách hàng vay vốn sản xuất, góp phần quan trọng giúp 207 hộ thoát khỏi đói nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 4,35%, gần 500 hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, 179 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện Lương Sơn đã xây dựng được hơn 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho 257 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. 

Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Lương Sơn thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách theo các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Với cơ chế tín dụng hiện hành, hầu hết các chương trình tín dụng đều được ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị xã hội, dư nợ ủy thác chiếm 99,2%/tổng dư nợ. 

Huyện Lương Sơn có 254 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ở 20 xã, thị trấn. Đến hết tháng 4/2016, doanh số cho vay đạt trên 14 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ đạt trên 194 tỷ đồng với 9.732 hộ còn dư nợ; trong đó, dư nợ hộ nghèo đạt cao nhất trên 42 tỷ đồng, dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt trên 32 tỷ đồng. Doanh số thu nợ đạt trên 7 tỷ đồng, chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn thấp chiếm 0,36%/tổng dư nợ. 

Ông Trịnh Quốc Vũ, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lương Sơn cho biết, phương pháp ủy thác cùng với việc mở rộng hệ thống điểm giao dịch đã tạo điều kiện cho chính quyền các tổ chức hội cấp xã gần dân hơn, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, giúp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, vượt qua đói nghèo. 

Với mục tiêu đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay toàn tỉnh Hòa Bình đạt gần 56 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ đạt trên 350 tỷ đồng với 15.656 hộ còn dư nợ. Hiện nay, chương trình vốn cho vay hộ nghèo tối đa là 50 triệu đồng/hộ, mức lãi suất đối với hộ cận nghèo giảm còn 0,66%/tháng. 

Ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình cho hay, ngay từ khi mới triển khai chương trình cho vay vốn đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Do có sẵn các điểm giao dịch ở cấp xã nên khâu khảo sát, giải ngân cho vay rất thuận lợi. Hàng ngàn hộ dân nhờ được vay vốn và giúp đỡ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn, đồi tạp nên từ chỗ đói nghèo nay đã vươn lên thành những hộ khá giả. 

Để nguồn vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, cấp ủy chính quyền triển khai, thực hiện chính sách vốn. Theo đó, tập trung tuyên truyền, giải ngân kịp thời chính sách vốn đến người dân. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn, nhằm định hướng sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. 
Theo Vũ Hà/baotintuc.vn