Thoát nghèo nhờ mô hình vườn rừng

Thoát nghèo nhờ mô hình vườn rừng
Năm 1995, sau khi rời quân ngũ, ông Bùi Tiến Kim trở về quê hương - thôn Vạn Bảo, xã Thành Tâm (Thạch Thành - Thanh Hóa) và nhận 40ha đất đồi rừng để trồng bạch đàn. Khi nhà nước có chủ trương trồng các loại cây công nghiệp, ông mạnh dạn chuyển đổi từ bạch đàn sang trồng các loại cây khác như cao su, trầm, mía, dứa, ngô và các cây ăn quả khác.

Nhận thấy đặc điểm của cây lâu năm không thể thu hoạch được ngay, trong khi nếu chỉ trông chờ vào 1ha đất trồng dứa thì không thể nuôi sống gia đình, với sự quyết đoán và ý chí vươn lên thoát nghèo, ông đã áp dụng phương châm lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu, ông học cách nuôi ong để tận dụng các loại hoa trong vườn. Vì thế, đàn ong của gia đình ông không ngừng tăng lên, hiện ông có hơn 20 đàn, cho thu nhập trên chục triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông Kim còn chăn nuôi đại gia súc, gia cầm dưới tán cây lâu năm. Ban đầu, ông mua lợn rừng, lợn cỏ về để làm giống, sau đó cho sinh sản, số lợn con đó ông để nuôi theo đàn. Hiện, đàn lợn rừng của ông phát triển lên 20 con; nuôi hàng trăm con gà các loại để lấy trứng và lấy thịt. 

Ông Kim tâm sự: “Ngoài một số loại cây lâu năm như: trầm, cao su, keo, trám… chưa thể khai thác, mỗi năm tổng thu nhập từ chăn nuôi và một số cây ngắn ngày cũng đạt gần 200 triệu đồng”. 

Trang trại của gia đình ông Kim tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng; vào thời điểm thu hoạch cây công nghiệp, số lao động lên tới vài chục người. 

Sau bao năm vất vả mưu sinh, bằng ý chí và nghị lực của người lính, gia đình ông Kim đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu. Hiện, mô hình trang trại của gia đình ông Kim được nhiều nông dân tìm đến tham quan học hỏi.

Như Quỳnh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn