Thoát nghèo nhờ nuôi tôm trên cát
- Chủ nhật - 07/08/2016 09:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đánh giá, trong những năm qua, việc phát triển nuôi tôm trên cát đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thuỷ sản đối với các tỉnh nghèo tiềm năng đất đai, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình.
Thực tế cho thấy, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã trở thành “luồng gió mới” trong cơ cấu sản xuất và phát triển thuỷ sản của tỉnh. Ông Trần Đình Du – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, trước đây người ta ví von đặc sản của Quảng Bình, là gió Lào và cát trắng nhưng từ khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao thì cát trắng Quảng Bình được xem là đặc sản theo đúng nghĩa đen của nó. Từ 1ha nuôi thử nghiệm vào năm 2006, đến nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã phát triển lên gần 300/1.087ha nuôi tôm mặn, lợ, sản lượng đạt 2.330 tấn, chiếm 23,9% diện tích và 52,3% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Bình. Ảnh: Thiên Hương
Tại 9 tỉnh miền Trung, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là 1.457ha, sản lượng thu hoạch hơn 24.000 tấn. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn như Quảng Trị (450ha), Quảng Nam (340ha), Thừa Thiên – Huế (385ha), năng suất bình quân đạt từ 10 -15 tấn/ha/vụ. |
Mô hình nuôi tôm trên cát đã giúp rất nhiều hộ nông dân ven biển nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong bảo vệ môi trường sinh thái, rủi ro lớn do dịch bệnh phát sinh trong quá trình nuôi ồ ạt, thiếu đầu tư đồng bộ. Theo các chuyên gia, để tiếp tục đầu tư phát triển loại hình nuôi này, cần có sự xem xét đánh giá một cách toàn diện, đặc biệt coi trọng sự phát triển bền vững và an toàn dịch bệnh, trong đó, sử dụng chế phẩm sinh học được xem là giải pháp tối ưu cho người nuôi tôm.
Do đó, Diễn đàn “Phát triển bền vững nuôi tôm trên cát theo hướng an toàn dịch bệnh” đã lập ra một Hội đồng cố vấn gồm 7 thành viên là những nhà quản lý, nhà khoa học có uy tín về nuôi trồng thủy sản đến từ các cơ quan nhà nước, các trường ĐH ở miền Trung. Tại diễn đàn hàng chục câu hỏi của bà con nông dân nuôi tôm xoay quanh các vấn đề về con giống, thức ăn, hóa chất, kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm chân trắng, chính sách hỗ trợ, bảo hiểm trong nuôi tôm chân trắng, thủ tục chứng nhận nuôi tôm chân trắng theo quy chuẩn VietGAP... được Ban cố vấn diễn đàn giải đáp thỏa đáng.
Theo TTKNQG, những năm gần đây nghề nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát khắp nơi, hiệu quả kinh tế giảm sút do chất lượng sản phẩm kém, khó xuất khẩu vào thị trường thế giới. Để khắc phục, TTKNQG đã xây dựng các mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP. Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng được 9 mô hình từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Sau 2 năm triển khai, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại kết quả rất tốt. Cụ thể, tôm nuôi theo VietGAP đạt năng suất 10 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 80%, cỡ thu hoạch đạt trung bình 60 con/kg. Lợi nhuận tính trên quy mô 1ha đạt từ 450 -500 triệu đồng, tăng so với mô hình không theo VietGAP trên 30%... Hiện mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP đang được nhân rộng và mang lại hiệu quả cao tại các tỉnh miền Trung...
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia và người dân đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm để nuôi tôm theo hướng an toàn như: ứng dụng công nghệ sinh học không dùng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm; nuôi an toàn sinh học trong ao cát theo hướng VietGAP; giới thiệu quy trình Copefloc cho ao bạt; nghiên cứu cải tiến những công nghệ nuôi, đối tượng nuôi mới, chọn tao giống nuôi mới có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khả năng kháng bệnh cao, phù hợp với điều kiện vùng nuôi trên cát...
Theo Dân Việt