Thoát nghèo từ nuôi chim cút
- Thứ năm - 14/03/2019 03:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh Khổng Thế Hiệp, cán bộ thú y xã cho hay: Năm 1995, bà con nông dân ở Yên Lập bắt đầu nuôi chim cút. Ban đầu, cả xã chỉ có ba, bốn hộ nuôi với số lượng ít, khoảng 100 - 150 con/hộ; qua vài ba năm, thấy việc nuôi cút mang lại lợi nhuận cao, phát triển thuận lợi, đầu ra, giá sản phẩm ổn định, người dân bắt đầu nhân rộng mô hình. Ðến nay, toàn xã có 169 trong số 2.231 hộ nuôi chim cút với tổng đàn lên tới gần 500 nghìn con, tăng gần 350 nghìn con so với năm 2018.
Chúng tôi tới thăm trang trại nuôi chim cút của gia đình anh Khổng Văn Vinh ở thôn Phủ Yên III, được biết, từ 200 m2 chuồng trại ban đầu vào năm 2010, hiện nay diện tích nuôi chim cút của gia đình đã tăng lên gấp hai lần, với tổng đàn hơn 30 nghìn con, với ba thế hệ chim: chim cút hậu bị, chim cút đẻ và chim cút con. Từ 2016 đến nay, mỗi năm, trừ chi phí, anh thu lãi
350 triệu đồng.
Tại gia trại của anh Khổng Văn Tâm, ở thôn Phủ Yên I, chúng tôi được anh Tâm chia sẻ: Năm 2001, với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng 150 m2 chuồng trại và mua 3.000 con chim cút giống. Nhờ mát tay chăm sóc, đàn chim cút lớn nhanh, mắn đẻ, mỗi ngày thu vài trăm nghìn đồng từ bán trứng. Ðang thuận buồm xuôi gió, thì vào năm 2002 - 2003 xảy ra dịch cúm H5N1, đàn chim cút nhà tôi buộc phải tiêu hủy. Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra bị chôn vùi dưới hố vôi. Tiếc công, tiếc của xót xa, gia đình tôi rất buồn. Nhưng, không nản chí, đầu năm 2004, sau khi vay được vốn từ ngân hàng, tôi bắt tay gây dựng lại. Ðến nay, gia trại nhà tôi có diện tích rộng hơn 500 m2, duy trì từ 35 đến 40 nghìn con chim cút các loại. Mỗi tháng tôi cung cấp cho thị trường khoảng 120 nghìn con chim giống, 360 nghìn quả trứng lộn, 5.000 con chim thịt và 11 tấn phân chim. Trừ mọi chi phí, mỗi năm lãi 450 triệu đồng. Ngoài ra, anh Tâm đầu tư ba lò ấp trứng cút lộn (công suất 12 nghìn quả trứng/lần ấp); mua máy trộn cám; máy phát điện; máy bơm… gia đình anh đã thoát nghèo, các con được ăn học đàng hoàng.
Từ một xã nghèo của huyện Vĩnh Tường, nhờ chuyển hướng sang nuôi chim cút, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 42,3 triệu đồng/người/năm, gấp hơn ba lần so với 5 năm trước. Không chỉ con chim cút ở Yên Lập đang "lên ngôi", mà kinh tế trang trại theo mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng) cũng mang về cho bà con nơi đây nguồn thu lớn.
Hiệu quả kinh tế - xã hội mà nghề nuôi chim cút mang lại cho người dân Yên Lập bước đầu đã được khẳng định. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về số hộ nuôi chim cút ở Yên Lập được đánh giá là chưa bền vững bởi quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, không đồng bộ và thiếu quy hoạch tập trung. Người dân vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, nên nguy cơ rủi ro là rất lớn.
Bên cạnh đó, địa phương chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, vì thế người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều hộ gia đình thiếu cập nhật thông tin về kinh tế, khoa học - công nghệ, thị trường. Một số hộ bị thương lái ép giá, chưa chủ động được thị trường. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi chim cút còn hạn chế. Ít hộ có điều kiện tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới mà phần lớn là chăn nuôi theo kinh nghiệm. Hầu hết các hộ chưa chú trọng nuôi chim cút theo hướng an toàn sinh học, chuẩn kỹ thuật, quy trình VietGAP; chưa tạo ra được thương hiệu chim cút Yên Lập cũng như quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng biết đến, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm...
Để phát triển bền vững nghề nuôi chim cút, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nuôi tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng; phát triển mạng lưới thu mua, bán lẻ, hình thành chợ đầu mối để bao tiêu đầu ra; chú trọng đầu tư nuôi chim cút theo hướng sạch, an toàn sinh học, chuẩn kỹ thuật, quy trình VietGAP; xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm chim cút Yên Lập đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; có chính sách hỗ trợ, giúp người nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô, diện tích chăn nuôi; thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ để bà con nông dân được tiếp thu kiến thức mới, từ đó áp dụng vào phát triển nuôi chim cút theo mô hình tập trung, xa khu dân cư nhằm khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.