Thông Nông nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thông Nông nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Tuy gặp khó khăn do xuất phát điểm thấp, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại huyện Thông Nông đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Yên Sơn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Một trong những kết quả rõ nét nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, sau khi con đường trong xóm được bê tông hóa, đi lại thuận tiện, ông Hoàng Văn Quý, xóm Làng Can, xã Lương Can cố gắng sửa sang lại nhà cửa, tập trung phát triển sản xuất để nâng cao đời sống, chung sức xây dựng khu dân cư ngày một phát triển. Ông Quý cho biết: Từ ngày thực hiện Chương trình XDNTM, đường được làm mới, tu sửa, các gia đình trong xóm phấn đấu làm kinh tế, mở rộng diện tích cây trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Bà con có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau, cố gắng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Được huyện Thông Nông chọn làm xã điểm thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2011 - 2020, Lương Can huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để thực hiện. Toàn xã có 4 công trình trạm biến áp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, 11/12 xóm được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều xóm được công nhận Làng văn hóa, trên 70% hộ đạt Gia đình văn hóa. Là một trong những vùng thuốc lá nguyên liệu lớn nhất của huyện, Lương Can mở rộng diện tích thuốc lá từ 80 ha năm 2011 lên gần 120 ha năm 2017, phấn đấu đưa thuốc lá trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đến nay, xã đạt 8/19 tiêu chí; việc triển khai làm đường nông thôn được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia thực hiện đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, thực hiện Chương trình XDNTM ở các xã vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, bình quân các xã mới đạt 5,4 tiêu chí nông thôn mới. 100% xã chưa đạt tiêu chí giao thông; cả huyện mới bê tông, cứng hóa được gần 30% giao thông nông thôn. Việc hoàn thành tiêu chí này rất khó nếu không có nguồn vốn hỗ trợ. Tiêu chí khó khăn nữa là thu nhập, bởi cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp (chiếm hơn 80%); sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế. Tiêu chí hộ nghèo cũng là một trong những khó khăn của huyện, đa phần các hộ nghèo lại rơi vào những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, người già neo đơn, dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn..., nên khả năng thoát nghèo rất khó. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2016 có xu hướng tăng, do đó, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện không chỉ cần thời gian mà còn là sự chuẩn hóa đồng bộ của tất cả các tiêu chí còn lại. Thiếu nguồn đầu tư là nguyên nhân chính làm lộ trình XDNTM ở địa phương khó tháo gỡ. Tuy một số hộ dân đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình dân sinh, nhưng sự đóng góp về kinh phí còn quá ít, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có. Do vậy, kinh phí thực hiện Chương trình XDNTM phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp hằng năm, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng những công trình đã đưa vào sử dụng. Từ đó, mức đầu tư cho hạ tầng cơ sở hằng năm không bảo đảm hoàn thành mức đạt chuẩn nông thôn mới.
Trước những khó khăn đó, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền về Chương trình XDNTM; chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác kết hợp với nguồn lực tại chỗ để nâng cấp giao thông, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế, hệ thống mương thủy lợi... Phong trào toàn dân tham gia XDNTM được triển khai sâu rộng. Năm 2017, toàn huyện di dời 21/200 chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; triển khai thực hiện 14 công trình giao thông nông thôn, 2 công trình nhà văn hóa xóm, 1 công trình trường học tại các xã với tổng nguồn vốn trên 7 tỷ 800 triệu đồng…
Chủ tịch UBND huyện Thông Nông Nguyễn Ngọc Định cho biết: Để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, trong điều kiện nguồn vốn hỗ trợ hạn chế, thời gian tới huyện sẽ chủ động, tích cực huy động các nguồn lực cho chương trình theo hướng xã hội hóa, huy động nguồn lực tại chỗ là chính, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM; làm tốt công tác vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cùng chung tay XDNTM.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao; triển khai các mô hình, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống cây trồng, con giống gia súc, gia cầm… Chú trọng vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã, vai trò chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng dân cư; điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong XDNTM; ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: Phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức; khuyến khích, giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất; định hướng đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân…, để các xã từng bước đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phấn đấu có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
 
Theo Bài và ảnh: Thanh Bình/Cao Bằng.vn