Thu 15 triệu/tháng từ trồng dừa xiêm lửa xen cam xoàn trên đất cằn
- Thứ năm - 24/05/2018 08:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
4 năm trước, qua lời giới thiệu của một người quen, anh Tân rời quê Bến Tre, về lập nghiệp tại thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông. Với số vốn tích góp được, và vay mượn họ hàng, người thân, anh mua được 2,3ha đất trồng cây ở đây. “Lúc đó, nhiều người nói tôi gàn. Bởi hơn một nửa diện tích đất tôi mua là đất bỏ hoang, đất cằn cỗi do các chủ đất trước trồng cây gì cũng không có hiệu quả nên bỏ”, anh chia sẻ.
Vườn dừa trồng xen canh cam xoàn của anh Nguyễn Thanh Tân. Ảnh: Vĩnh Thành (Báo Khánh Hòa).
Anh bắt đầu thuê máy móc, nhân công về cải tạo lại toàn bộ đất. Với kinh nghiệm học được từ nhiều người, anh không để đất bằng phẳng trồng cây như người dân ở trong vùng, mà đào nhiều rãnh sâu cạnh phần đất trồng cây để chứa nước, đồng thời có tác dụng khử phèn trong đất tốt; khi trời mưa lớn, nước có đường thoát, không bị ngập. Để chủ động nguồn nước tưới, ngoài sử dụng nước tự chảy, anh đào thêm hồ chứa nước, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động. Nhờ vậy, anh không tốn nhiều chi phí nhân công. Tiếp đó, anh mua hơn 700 cây giống dừa xiêm lửa từ miền Tây về trồng và tiếp tục trồng xen canh hơn 4.000 cây cam xoàn.
Anh Tân cho biết, dừa có tán rộng, chắn gió tốt, trong khi cây cam không chịu được gió lớn, nắng gắt. Vì vậy, tán dừa có thể hỗ trợ cho cây cam phát triển. Ưu điểm mô hình là vậy, nhưng cũng cần chọn thời điểm hợp lý. Anh trồng dừa trước để khi dừa cao, che được cho cam. Cơn bão số 12 vừa qua, trong khi những vườn cây ở xung quanh bị đổ, ngã ít nhất nửa vườn thì vườn nhà anh chỉ bị một vài cây.
Giống dừa anh Nguyễn Thanh Tân chọn trồng là dừa xiêm lửa. Ảnh: IT.
Tuy vậy, quá trình chăm sóc để vườn dừa, cam phát triển là cả một quá trình dài và khó khăn. Anh Tân cho biết, vì vùng đất anh lập vườn là đất cằn cỗi, đất mới nên việc cải tạo rất vất vả; dừa trồng lên nhiều cây bị chết, không phát triển được, phải mất một thời gian tiếp tục bón phân cải tạo đất, cây mới lớn được. Bên cạnh đó, giống dừa xiêm lửa thông thường trồng ở miền Tây khoảng 2,5 năm là có thể cho trái, nhưng, do vùng đất và khí hậu tại đây không thuận lợi nên phải đến 3,5 năm mới có trái. Trong thời gian đó, để tạo nguồn thu nhập, lấy ngắn nuôi dài, anh trồng thêm đu đủ và nhiều cây chanh làm hàng rào chắn gió cho cả vườn.
Sau khi dừa xiêm lửa lớn lên tạo thành "bức tường chắn gió" thì những cây cam xoàn không bị ảnh hưởng nhiều nếu gặp mưa bão. Ảnh: IT.
Sau thời gian kiên trì chăm sóc, đến tháng 6-2017, anh thu hoạch được vụ cam đầu tiên với hơn 3 tấn. Tiếp đó, đến tháng 12-2017, vườn dừa của anh cũng bắt đầu cho trái, lứa đầu anh thu được hơn 500 trái, giá 10.000 đồng/trái. Theo anh, giá của dừa xiêm lửa thấp hơn giá dừa xiêm xanh khoảng 2.000 đồng/trái, nhưng năng suất lại gần gấp đôi. Với cam xoàn, nhờ được chăm sóc tốt, vỏ đẹp nên giá dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg.
Đu đủ là 1 trong những cây trồng được anh Nguyễn Thanh Tân trồng trong khu vườn hơn 2,7ha để lấy ngắn nuôi dài. Ảnh: IT.
Đưa chúng tôi tham quan vườn dừa, cam của mình, anh cho biết, giờ đây, thu nhập thường xuyên của anh từ cây dừa, chanh đã ổn định ở mức hơn 15 triệu đồng/tháng. Còn cam thì độ 3 tháng nữa là thu hoạch. Vụ này anh ước nếu thuận lợi phải được ít nhất 20 tấn. Còn dừa, tới năm sau, khi cây đã phát triển đều, lượng tiêu thụ ổn định, có thể mang lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Với suy nghĩ sáng tạo, không ngại khó, anh Nguyễn Thanh Tân đã làm được điều mà trước đây không ai nghĩ tới. Thi thoảng lại có người đến học hỏi kinh nghiệm, anh đều nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn.