Thu 20 tỷ đồng nhờ bỏ phố lên rừng trồng sầu riêng
- Thứ tư - 09/08/2017 07:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Ngọc Trung từng là giáo viên trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang. Năm 1991, trường giải thể, ông ra Sài Gòn kinh doanh mặt hàng trang trí nội thất. Công việc thuận lợi, song ông chủ thành đạt vẫn ấp ủ giấc mơ gắn bó với nghề nông mà mình từng đam mê.
Năm 2004, trong một lần lái xe từ Sài Gòn ra Hà Nội đón bạn, ông tình cờ đi lạc vào thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Qua hỏi thăm, ông được biết đất ở đây rẻ đến mức mỗi ha chỉ 11 triệu đồng, bằng giá một sào nhỏ ở Lâm Đồng. Vậy nên, ông quyết định mua đứt 62ha của tám hộ gia đình thôn Bon Srê Ú, bỏ Sài Gòn về lập nghiệp trên mảnh đất này.
Sau khi tìm hiểu thông tin từ Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, ông Trung nhận thấy sầu riêng cho giá trị kinh tế cao. Nhiều người chuộng ăn, song diện tích trồng thời điểm năm 2004 vẫn tương đối ít, nên lão nông quyết làm giàu bằng quả ngon vật lạ.
Để có nguồn giống tốt, ông lặn lội xuống các tỉnh miền Tây chọn mua sầu riêng ghép. Đây là loại hạt được ươm một năm, sau đó cắt mầm của cây năng suất cao ghép vào. Hiện trang trại của ông trồng ba giống sầu chính có chất lượng thơm ngon, cơm vàng, hạt lép, gồm Ri 6, Út Thủy (Bến Tre) và Monthong (Thái Lan).
Ngoài 40% nguồn vốn gia đình, ông rủ bạn bè hùn thêm 60%, tiến hành đầu tư mới toàn bộ vườn cây, cải tạo đất đai, sắm trang thiết bị máy móc, mua vật tư phân bón... Tự tin với nguồn kiến thức nông nghiệp sẵn có và thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng sầu riêng đủ lâu, ông Trung trồng thử ngay 4.000 cây trên diện tích 20ha. Tuy nhiên, chỉ có 100 cây sống sót.
Vườn sầu riêng bạt ngàn của ông Trung
Tìm hiểu ra, ông Trung mới biết ở vùng đất đỏ bazan ở Đăk Nông, nhiệt độ mùa khô cao, cần phải đào hố sâu để cây sống được. Đến vụ năm sau, ông cho đào hố sâu hơn 80cm thay vì 40-50cm như trước, mỗi cây làm thêm lều căng lưới đen che nắng.
Ngoài sách báo, ông cũng về tận các vùng trồng sầu riêng ở Bến Tre, Đăk Nông để tìm hiểu kinh nghiệm trồng, chăm bón sầu riêng cho đến khi thu hoạch. Lão nông lượm lặt được nhiều bí quyết, ví dụ như làm sao cho cây rụng hết lá cũ và ra 7-8 lá mới đúng thời kỳ đơm hoa; sâu bệnh cần sử dụng thuốc nào, liều lượng vừa đủ ra sao...
Xác định trồng sầu riêng sạch để phục vụ thị trường, nên ông Trung chủ động canh tác theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2013, 45ha trang trại Gia Trung nhận được chứng chỉ này và 20ha bắt đầu cho trái ngọt. Doanh thu khoảng 400-500 triệu đồng không đủ bù chi, song lão nông vẫn kiên định tin rằng bản thân đang đi đúng hướng.
Sau 4 năm, 35ha (7.000 gốc) đã cho năng suất ổn định, cung cấp ra thị trường trong nước 500 tấn sầu sạch, mang lại doanh thu 20 tỷ đồng mỗi năm. Thương lái săn đón đến tận vườn đặt mua sầu riêng VietGap của gia đình ông. Nhiều nông dân khác cũng tìm đến trang trại Gia Trung để học tập kinh nghiệm trồng cây năng suất cao.