Thu hàng tỷ đồng từ nuôi gà theo công nghệ chuồng kín

“Hồi sinh” mảnh đất canh tác kém hiệu quả thành trang trại nuôi gà lớn với kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, những năm gần đây trang trại gà của ông Trần Văn Tấn, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương.
Nằm ngay trên cánh đồng cách xa khu dân cư thôn Triệu, xã Hiển Khánh, trang trại gà của ông Tấn là một khu chăn nuôi khép kín quy mô lớn. Theo những người dân nơi đây, xã Hiển Khánh thuộc vùng trũng, đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả trong khi chăn nuôi chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Một số hộ cấy lúa không mang lại hiệu quả đã bỏ ruộng đi làm ở nơi khác; một số hộ mạnh dạn dồn vốn thả vịt nhưng đa phần đều thất bại do dịch bệnh, kinh tế đã khó nay lại rơi vào cảnh nợ nần, túng bấn. 

Gia đình ông Tấn trước đây cũng chỉ canh tác 1 năm 2 vụ lúa. Trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế ngay trên quê hương, ngoài thời gian làm việc, ông nghiên cứu thêm tài liệu hướng dẫn chăn nuôi. Ông nhận thấy nếu chăn thả tự nhiên con nuôi rất dễ lây nhiễm dịch bệnh từ môi trường, đầu tư chăn nuôi theo hướng bền vững chính là con đường để phát triển kinh tế. 

Năm 2008, biết được chương trình tập huấn nuôi gà theo công nghệ chuồng kín của Công ty Japfa Comfeed Việt Nam tổ chức ngay tại địa phương, ông Tấn đã tham gia học tập. Cùng thời điểm đó, xã Hiển Khánh vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, con nuôi. Đồng thời, quy hoạch vùng chăn nuôi trên đất canh tác kém hiệu quả của xã, ông Tấn mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình sang xây dựng trang trại nuôi gà. 

Năm 2009, với số vốn 3 tỷ đồng vay mượn của anh em, bạn bè và ngân hàng cũng như được sự giúp đỡ của các kỹ sư Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, ông Tấn xây dựng một khu chăn nuôi với diện tích hơn 2.500m2 chia thành 3 chuồng nuôi gà thịt. 

Ông Tấn cho biết, chuồng nuôi tốt, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật sẽ quyết định thành công của việc chăn nuôi số lượng lớn. Gà công nghiệp rất nhạy cảm với nhiệt độ nhất là trong điều kiện nuôi nhốt số lượng lớn, vì thế, để đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho gà, ông đầu tư lợp mái tôn với lớp xốp cách nhiệt. Hai bên chuồng là hệ thống làm mát bằng nước cho gà vào mùa hè, mùa đông gà sẽ được sưởi ấm bằng hệ thống lò gang thiết kế ở đầu chuồng. Không khí lưu thông trong chuồng nuôi theo nguyên lý hút gió vào từ đầu chuồng và thoát ra ngoài qua hệ thống quạt thông gió ở cuối chuồng. 

Do tuân thủ đúng quy cách xây dựng chuồng nuôi nên mặc dù mật độ nuôi 8.000 con/chuồng, song toàn bộ trang trại của gia đình ông không hề có mùi hôi thối, đàn gà sinh trưởng tốt. Việc chăm sóc gà cũng được ông Tấn chú ý. 

Tùy thuộc vào tuổi, gà được cho ăn các loại cám khác nhau, đúng liều lượng. Nước uống trước khi đưa vào hệ thống được ông khử trùng, loại bỏ tạp chất và cho gà uống theo kiểu nhỏ giọt, không để nước làm ướt nền chuồng gây mất vệ sinh, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. 

Ông Tấn chia sẻ, không như nuôi gà thả tự nhiên, với công nghệ chuồng nuôi khép kín mọi mầm bệnh từ môi trường hay nguy cơ lây bệnh từ chim dư cư sẽ không có khả năng xâm nhập vào đàn gà, rủi ro do dịch bệnh được hạn chế. Trong thời gian tiêm phòng mỗi chuồng đều có lịch theo dõi. Vì vậy, mặc dù trong những năm qua nhiều trang trại trên địa bàn mắc cúm gia cầm nhưng trang trại của ông vẫn an toàn, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Với 5 - 6 lứa gà/năm, bình quân mỗi năm trang trại của ông cung ứng ra thị trường hơn 60 tấn gà thịt. Thông qua việc liên kết với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, trang trại của ông luôn có đầu ra ổn định, đưa doanh thu của trang trại lên gần 4 tỷ đồng mỗi năm. 

Đầu năm 2016, nhận thấy thị trường gà thịt có sự bất ổn, ông chuyển sang nuôi gà Ai Cập siêu trứng. Mới đầu ông chỉ đầu tư một chuồng nuôi, đến nay toàn trang trại của ông chuyển sang nuôi gà đẻ trứng. 

“Có nhiều trang trại nuôi gà hơn đồng nghĩa với việc kinh doanh gà thịt sẽ khó khăn. Nếu gà tồn lâu trong chuồng vừa mất giá lại đội chi phí đầu tư. Nuôi gà lấy trứng lãi tuy có ít hơn nhưng thị trường sẽ ổn định hơn”, ông Tấn chia sẻ. 

Theo ông Tấn, nuôi gà đẻ không mất nhiều công chăm sóc như gà thịt. Biên độ nhiệt của giống gà Ai Cập lớn, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương nên không tốn chi phí cho hệ thống làm mát. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc gà lấy trứng cần chú ý, ngoài việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khoảng 30 ngày trước khi gà cho lứa trứng đầu tiên cần tiêm vắc xin đề phòng hội chứng giảm đẻ. 4 tháng sau khi ươm giống, gà bắt đầu đẻ trứng. Nếu đảm bảo thời gian chiếu sáng từ 12 - 14 tiếng/ngày cùng chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì trong 1 năm năng suất trứng có thể đạt 230 - 250 quả/con. 

Hiện trang trại của ông có 10.000 con gà đang đẻ và 8.000 gà dự bị. Với giá bán bình quân gần 2.000 đồng/quả , doanh thu từ việc bán trứng của gia đình ông đạt hơn 3 tỷ đồng/năm. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, ông còn tạo điều kiện giúp 3 công nhân làm việc liên tục với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Lê Thị Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định cho biết, mô hình của ông Trần Văn Tấn là một trong những trang trại gà đang áp dụng thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP mang lại hiệu quả cao của tỉnh Nam Định. Trang trại cũng đã cho thấy lợi ích của việc chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại theo quy hoạch, từ đó giúp người dân tìm ra hướng đi mới phát triển kinh tế đồng thời khai thác tốt những vùng đất canh tác kém hiệu quả của tỉnh. 

Việc chuyển đổi những diện tích đất trồng trọt kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân đang là mục tiêu tỉnh Nam Định hướng tới. Xây dựng vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung với phương pháp chăn nuôi nuôi theo tiêu chuẩn VietGap sẽ giúp người chăn nuôi tránh khỏi rủi ro bởi các nhân tố gây bệnh từ môi trường và giảm ô nhiễm môi trường do việc chăn thả tự nhiên...
 
Nguyễn Lành (TTXVN