Thu hút đầu tư vào nông nghiệp tăng gần 3 lần sau 10 năm
- Thứ sáu - 07/09/2018 04:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra ngày 7/9 tại Hà Nội, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và giảm nhập siêu cho đất nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ năm 2008 - 2017 đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ USD so với năm 2008.
Năm 2008 Việt Nam mới chỉ có 5 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và 2 mặt hàng nông lâm thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Đến năm 2017, Việt Nam đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên. Trong đó, 5 mặt hàng gồm trái cây, hạt điều, cà phê, tôm và đồ gỗ đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Đáng chú ý, thu hút đầu tư vào nông nghiệp tăng 2,93 lần với số doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ gần 2.400 năm 2007 lên trên 7.000 doanh nghiệp trong năm 2017. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.
Về nông dân, thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 8,0%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm.
Đối với vấn đề nông thôn, từ năm 2013, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NG&PTNT và các địa phương đã chuyển từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới bền vững. Đến hết năm 2017, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên cả nước lên tới 3.069 xã (tăng 34,4%), bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã, có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Quá trình thực hiện chính sách tam nông đã xuất hiện nhiều địa phương đạt kết quả nổi bật.
Tuyên Quang được đánh giá là địa phương tạo đột phát trong thực hiện Nghị quyết số 26 nhờ xác định đúng và trúng cây trồng có lợi thế, ưu tiên chuyển đổi kinh tế lâm nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh này đã đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã hỗ trợ xi măng, ống cống, còn người dân góp sức công, hiến đất chung sức hoàn thành trên 2.700 km đường giao thông nông thôn.
Tuyên Quang cũng xác định tập trung vào các cây trồng chủ lực như cam, chè và mía, dần hình thành sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn tỉnh có vùng cam trên 8.000 ha, 8.700 ha chè và trên 10.000 ha mía... Các cây trồng chủ lực này đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh và nâng cao đời sống vật chất và thu nhập của người dân.
Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân của tỉnh trong giai đoạn 2008 -2017 ước đạt 4,4%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 đạt 11.280 tỉ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân bình quân năm 2017 cao hơn 3,3 lần so với năm 2008.
Bám sát thị trường
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 26, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Điểm đáng lưu ý trong giai đoạn 2010 – 2017 là toàn xã hội đã huy động được khoảng 1,7 triệu tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 28,6%, vốn doanh nghiệp chiếm 4,9%, vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm 15,82%.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sản xuất nông nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, đưa Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản.(Ảnh: Hồng Quang) |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Dù có nhiều ý kiến khác nhau về phát triển nông nghiệp, nhưng không thể phủ nhận sự phát triển tích cực của nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm qua.
Việt Nam liên tục gánh chịu thiên tai bão lũ, nhưng sức sản xuất nông nghiệp vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của 100 triệu dân trong nước. Hơn nữa, Việt Nam còn đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản.
“Phải dám tự hào về nông nghiệp Việt Nam. Bởi không có nước nào có ngành hàng chế biến sâu và công nghệ rất hiện đại như chế biến cá tra. 5.000 ha nuôi cá tra cho ra sản lượng 1,5 triệu tấn. Năm nay, ngành cá tra, với gần 100 sản phẩm, sẽ vượt qua mốc doanh thu 3 tỉ USD. Hơn nữa, cũng rất tự hào vì Việt Nam có 2 doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu thế giới, ” Bộ trưởng nói.
Mục tiêu khái quát trong Nghị quyết số 26 là tăng 2,5 lần thu nhập của người dân ở nông thôn. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn năm 2008 là 9,1 triệu đồng/người/năm. Năm 2017, đạt 32 triệu đồng/người/năm. Dự báo, năm 2018, con số này tiếp tục tăng lên 36 - 37 triệu đồng/người/năm, gần gấp 4 lần so với năm 2008.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tại bất cập, nhất là hiệu quả kinh tế đến người nông dân so với yêu cầu còn thấp. Nông sản Việt Nam được xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới nhưng vẫn thiếu bền vững bởi rủi ro và phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.
Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Cần rà soát lại định vị nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới. (Ảnh: Hồng Quang) |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Phát triển nông nghiệp cần lấy thị trường trong nước và quốc tế làm động lực. Tuy nhiên, thị trường cũng có những khiếm khuyết, do vậy áp dụng cơ chế thị trường phải đi đôi với quản lý Nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết đó.
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: Cần rà soát lại định vị nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới. Có thể so sánh, 10 năm trước tỷ trọng nông nghiệp chiếm 20% GDP, hiện nay tỷ trọng này là khoảng 16%. Tuy nhiên, dự báo sẽ xuống dưới 10%. Dù tỷ trọng GDP có thể thấp, nhưng nông nghiệp vẫn là lợi thế mà Việt Nam cần phải phát huy./.
CTV Hồng Quang/VOV.VN