Thu “quả ngọt” từ cách làm độc đáo
- Thứ ba - 31/10/2017 11:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xung quanh các hoạt động này, phóng viên đã trao đổi với bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm KN Hà Nội.
Các mô hình đạt hiệu quả cao
Những năm gần đây, hoạt động KN Hà Nội ngày càng được quan tâm đầu tư về lượng và chất. Bà có thể cho biết những kết quả nổi bật của Trung tâm KN Hà Nội từ đầu năm đến nay?
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: K.N.H.N
Hiện nay mức vay quy định của Quỹ KN Hà Nội không quá 500 triệu đồng/mô hình là vẫn khá thấp, không còn phù hợp vì thực tế để đầu tư một mô hình trang trại chăn nuôi, hoặc đầu tư một máy sấy, một máy gặt đập liên hợp cũng cần tới 1 tỷ đồng. Do đó, theo bà Vũ Thị Hương, thời gian tới quỹ cần đa dạng nguồn vốn, cơ chế...; tăng cường các khoản cho vay phát triển cơ giới hóa, ưu tiên các mô hình ứng dụng công nghệ cao... |
- Đặc thù hoạt động KN gắn liền với công tác xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, quản lý trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Do đó, thời gian qua Trung tâm KN Hà Nội đã tập trung vào các mô hình KN trồng trọt; mô hình chăn nuôi, thủy sản và đều đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng sản xuất.
Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã triển khai 22 dạng mô hình, trong đó 15 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản. Tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa… các giống lúa mới đã được đưa vào sản xuất như: Vật tư NA2, đại dương 2, J02, kim cương 111, nếp thơm Hưng Yên… Các giống lúa mới này đã phát huy được nhiều ưu điểm, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng rộng, chất lượng gạo ngon, năng suất thu hoạch cao, trên 65 tạ/ha.
Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, dây chuyền gieo mạ khay tự động, máy cấy lúa, máy làm đất đa năng… đã giúp nông dân các địa phương giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập...
Đáng chú ý là gần đây, Trung tâm KN Hà Nội rất chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi, thủy sản theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Trung tâm đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, trạm KN các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác chọn điểm, chọn hộ đủ tiêu chuẩn tham gia mô hình.
Đến nay, toàn đơn vị đã cấp 1,11 triệu con cá giống, 200kg chế phẩm sinh học, 256,608 tấn thức ăn (đạt 100%) cho 319 hộ/48 xã. Qua đánh giá các mô hình chăn nuôi như gà Ai Cập sinh sản, gà mía thả vườn an toàn sinh học, dê sinh sản, bò sinh sản và các mô hình thủy sản tại các huyện đều cho kết quả rất khả quan và sẽ tiếp tục được phát triển, nhân rộng trong thời gian tới.
Một trong những thách thức của ngành nông nghiệp Hà Nội hiện nay là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất nông sản theo chuỗi... Trung tâm có giải pháp gì để góp phần hoá giải những thách thức đó?
- Quá trình đô thị hóa tại Hà Nội những năm gần đây ngày càng thể hiện rõ ràng và đặt ra nhiều thách thức với ngành nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, Trung tâm KN Hà Nội đã bám sát vào chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp – nông thôn của ngành và thành phố để có những định hướng phát triển cụ thể các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.
Ví dụ, những quận, huyện ven đô, chúng tôi triển khai các mô hình trồng lily, lan, các loại hoa trồng chậu… vào sản xuất và thời gian qua được người dân nhiệt tình đón nhận vì sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Còn các mô hình chăn nuôi, thủy sản phải đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước thực trạng nguồn nước nuôi trồng thủy sản đang dùng chung với nguồn nước sản xuất nông nghiệp, ngoài việc tiếp tục đưa giống mới, nuôi theo quy trình công nghệ sinh học, chúng tôi đã triển khai phương án xử lý nguồn nước bằng chế phẩm sinh học. Kế hoạch năm 2018, mô hình “sông trong ao” sẽ được thực hiện nhằm tạo ra nguồn sản phẩm chắc-khỏe-sạch, đảm bảo phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đối với các mô hình chăn nuôi tại khu vực cận đô thị, bà con vẫn đang tiếp tục nhân rộng, đồng thời trung tâm phối hợp các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm giúp bà con.
Tăng cho vay vốn ưu đãi
Được biết, Trung tâm KN Hà Nội là nơi đầu tiên triển khai mô hình Quỹ KN và hoạt động rất hiệu quả. Bà có thể cho biết kinh nghiệm nhân rộng nguồn vốn của quỹ đến tay nông dân?
Theo đánh giá của Trung tâm KN Hà Nội về hiệu quả vốn vay Quỹ KN, năng suất, sản lượng của các phương án, dự án đều tăng từ 10-30% so với khi chưa được vay vốn của quỹ. Trong đó, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt được mở rộng quy mô sản xuất và đạt giá trị thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. |
- Tính đến năm 2017, Quỹ KN Hà Nội đã hoạt động được 15 năm, thực sự trở thành một kênh tài chính ưu đãi giúp các chủ trang trại, hộ nông dân được vay vốn với mức phí thấp để bà con đầu tư và tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên các địa bàn quận, huyện.
Với 3.095 lượt hộ vay, số vốn quay vòng hơn 507 tỷ đồng, quỹ đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn, góp phần thúc đẩy tích tụ ruộng đất, nhân rộng các mô hình khuyến nông thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Mặc dù có thời điểm bà con gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt ngành chăn nuôi trong 2 năm 2016-2017 thua lỗ nặng, nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ vay vốn, nên tỷ lệ nợ quá hạn của quỹ đến thời điểm này chỉ chiếm dưới 2,00% dư nợ cho vay.
Hiện có không ít mô hình KN rất thành công, tuy nhiên sau khi xây dựng xong mô hình, hỗ trợ ngân sách kết thúc thì mô hình không thể nhân rộng được. Bà có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp?
- Phải khẳng định lại rằng các mô hình KN Hà Nội triển khai đều rất thành công, đem lại hiệu quả cao và rất nhiều tỉnh đến tham quan học tập, nhưng có mô hình không thể nhân rộng được không phải do thiếu vốn, mà là do mô hình đó có thể chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và khả năng đầu tư của người dân.
Hà Nội đã có Quỹ KN để cho vay mở rộng các mô hình KN có hiệu quả trong sản xuất, tuy nhiên để nhân rộng mô hình cần chú trọng đến cả công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm được những ưu điểm nổi bật của tiến bộ kỹ thuật mới và sẵn sàng áp dụng. Để đưa các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, các ngành về cả kỹ thuật, vốn, đất đai và thị trường...
Giải pháp tối ưu nhất trong các mô hình KN hiện nay là sản xuất theo công nghệ sinh học, làm sao tạo ra sản phẩm đến người tiêu dùng với giá thành hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh. Nếu Nhà nước chỉ vẫn hỗ trợ bà con như hiện nay thì KN mới chỉ giải quyết được khâu ứng dụng kỹ thuật cao, còn sản xuất theo công nghệ cao thì chưa đáp ứng được.
Để giúp KN hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cần sự chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phối hợp cùng KN… triển khai mô hình ứng dụng sản xuất công nghệ cao, mô hình sản xuất quy mô lớn mới đem lại hiệu quả đột phá.