Thu trăm triệu từ nuôi chim cút công nghệ Nhật

Thu trăm triệu từ nuôi chim cút công nghệ Nhật
Đến thăm trang trại nuôi chim cút của anh Nguyễn Quang Ngọc, thôn Tân Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy - Quảng Bình), một trong những hộ gia đình làm kinh tế giỏi tiêu biểu tại địa phương, ai cũng phải ngợi khen.
trang-trại-nuôi-chim-cút-theo-công-nghệ-nhật-bản-của-anh-nguyễn-quang-ngọc.jpg

Đến thăm trang trại nuôi chim cút của anh Nguyễn Quang Ngọc, thôn Tân Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy - Quảng Bình), một trong những hộ gia đình làm kinh tế giỏi tiêu biểu tại địa phương, ai cũng phải ngợi khen. Mỗi tháng gia đình anh thu lãi hơn 80 triệu đồng từ nuôi chim cút.

Tâm sự với chúng tôi, anh  Ngọc cho biết: Sinh ra và lớn lên ở xã vùng biển bãi ngang Ngư Thủy Trung đầy gió Lào và cát trắng, trước đây, cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn, vất vả. Nguồn thu chủ yếu từ nghề đánh bắt hải sản gần bờ luôn thấp lại bấp bênh, cây trồng không phát triển được vì đất cát bạc màu…

Năm 2006, thấy mô hình nuôi chim cút của nông dân các tỉnh phía Nam mang lại hiệu quả và nhu cầu tiêu thụ của thị trường cũng khá cao, anh liền nảy ra ý định làm theo. Ban đầu, anh mua khoảng 500 con chim cút giống ở Đà Nẵng về nuôi thử, do lúc đó phải nuôi thủ công, chưa biết cách chăm sóc, nên chim cút chết khá nhiều, chậm lớn và tỷ lệ đẻ trứng thấp.

Không chịu khuất phục trước khó khăn, nhận thấy nguyên nhân thất bại ban đầu là do bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về loại vật nuôi này, anh Ngọc lặn lội ra Hà Nội, ngược vào Quảng Ngãi để học tập các mô hình nuôi chim cút theo công nghệ Nhật Bản. Với số vốn tự có cộng với số tiền vay mượn từ ngân hàng và bạn bè, anh Ngọc mạnh dạn thành lập trang trại trên diện tích 1,5ha, trong đó chủ yếu là mô hình nuôi chim cút theo 3 phân khu riêng biệt với số lượng gần 30.000 con các loại.

Anh Ngọc chia sẻ: Chim cút là loại vật ít bị bệnh nên dễ nuôi. Đặc tính của loài chim này là ưa sống nơi cao ráo và thoáng mát. Nuôi chim cút quan trọng nhất là phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Bình quân một chu kỳ sinh trưởng của chim  khoảng 8 tháng. Chim cút mái bắt đầu đẻ trứng sau 35 ngày tuổi, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật theo công nghệ Nhật Bản, mỗi con chim mẹ đẻ 1 quả trứng/ngày. Trứng được cho vào 6 lò ấp để tạo thành trứng lộn và nguồn giống mới cho các lứa sau.

Mỗi ngày, trang trại của anh Ngọc xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 10.000 trứng cút, 12.000 trứng cút lộn, 500 con chim cút thịt. Doanh thu mỗi tháng ước đạt khoảng 320 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận mang lại cho gia đình khoảng 80 triệu đồng.

Ngoài ra, phân chim cút được anh tận dụng làm thức ăn cho cá và bán cho các nông hộ làm phân bón cho cây trồng, mỗi năm cũng cho thu khoảng 100 triệu đồng.

Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Ngọc đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng và 7 lao động thời vụ với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.

Có thể nói, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống vật nuôi tại các xã vùng biển bãi ngang nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung.

Trang trại nuôi chim cút theo công nghệ Nhật Bản của anh Ngọc.

 
Theo Nguyễn Trung Hiểu/Báo KTNT.vn