Thuận Châu lấy thu nhập làm đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Thuận Châu lấy thu nhập làm đòn bẩy xây dựng nông thôn mới
Bộ mặt nông thôn của huyện miền núi Thuận Châu (Sơn La) đang đổi thay từng ngày. Những con đường đất đỏ, lầy lội ngày nào giờ đã được bê tông hóa. Những khu đất trống, đồi trọc đã phủ kín màu xanh bạt ngàn của các loại cây ăn quả, cà phê...

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lò Văn Nhã - Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Dù gặp không ít khó khăn, thách thức song huyện Thuận Châu xác định, xây dựng NTM là cơ hội để huyện tạo chuyển biến trong tam nông. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã xây dựng lộ trình cụ thể, kế hoạch chi tiết đối với từng tiêu chí và từng xã, theo nguyên tắc ưu tiên dễ làm trước, khó làm sau.

Trường Tiểu học Tông Lạnh 1 đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Trường Tiểu học Tông Lạnh 1 đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Tất cả các nội dung liên quan đến xây dựng NTM đều được các xã, bản đưa vào các cuộc họp để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, thực hiện, qua đó thúc đẩy phong trào xây dựng NTM phát triển rộng khắp ở các xã, bản. Hàng trăm tuyến đường nội bản, liên bản, đường nội đồng... được bê tông hóa, cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương, phát triển kinh tế.

Đến nay, Thuận Châu đã hoàn thành hơn 300 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 70 tỉ đồng, còn lại là do nhân dân đóng góp (tiền, công lao động...). Đồng thời, huyện chú trọng đầu tư kênh mương, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... thông qua thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, góp phần tô điểm cho bức tranh miền núi rực rỡ hơn, tươi đẹp hơn.

Để xây dựng NTM bền vững, Thuận Châu tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hàng loạt mô hình kinh tế được triển khai như: Trồng cây mắc ca, chanh leo tại các xã Phổng Lái, Púng Tra; trồng chuối tiêu hồng tại xã Chiềng Ly... Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc, huyện hỗ trợ người dân giống, vốn, kỹ thuật để trồng các loại cây ăn quả như: chanh leo, cam, bưởi... từ đó hình thành vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến.

Người dân ý thức hơn trong việc xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm chứ không còn thả rông như trước. Nhờ đó, trâu, bò, lợn, gà phát triển mạnh, tỷ lệ tăng đàn năm sau cao hơn năm trước mà lại bảo vệ được môi trường xanh - sạch - đẹp.

“Muốn người dân đóng góp xây dựng NTM thì trước hết phải làm sao để bà con ấm cái bụng. Nếu người dân còn đói, còn nghèo thì “lực bất tòng tâm”. Xác định như vậy nên huyện vận động bà con chuyển đổi tập quán canh tác từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng đa cây, đa con, trong đó tập trung vào trồng cây ăn quả, phát triển mạnh đàn trâu, bò, dê...”, ông Đào Tài Tuệ - Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho hay.

Nhờ có bước đi thích hợp mà đời sống, thu nhập của người dân trong huyện đã được cải thiện. Thu nhập bình quân từ chỗ chỉ đạt 3,4 triệu đồng/người năm 2010, đến nay đã đạt khoảng 10 triệu đồng/người/năm (khu vực nông thôn); tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 5%/năm.

Cuối năm 2017, xã Phổng Lái đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trở thành điểm sáng, tạo động lực cho các xã khác trên địa bàn huyện Thuận Châu phấn đấu vươn lên.

Theo Văn Chiến/Báo TTV.vn