Thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao
- Chủ nhật - 01/04/2018 09:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2018, huyện Hồng Dân tiếp tục giữ vững và ổn định hai vùng sản xuất mặn - ngọt, đồng thời mở rộng, phát triển vùng chuyển đổi theo hướng luân canh cây lúa trên diện tích nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo môi trường và cách ly mầm bệnh trên tôm. Việc trồng lúa trên đất nuôi tôm sẽ giúp cây lúa hấp thu những chất tồn dư còn tích tụ từ vụ nuôi tôm trước làm cho môi trường không bị ô nhiễm và là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng để tôm phát triển. Nhờ đó, quá trình canh tác ít sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật nên ít tốn chi phí, chất lượng gạo sạch hơn; ngoài ra còn góp phần làm cho vụ tôm sau phát triển tốt.
Theo UBND huyện Hồng Dân, trong thời gian tới sẽ phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao trên vùng ngọt ổn định theo nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung nhân rộng cánh đồng mẫu lớn nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững, hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân. Cùng với cây lúa, Hồng Dân tập trung phát triển con tôm sú, xen canh các loài thủy sản khác như: cá bống tượng, cua, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng ở vùng chuyển đổi hơn 25.000ha. Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh học để tăng năng suất và giá trị hàng hóa. Dự định đến năm 2020, Hồng Dân thực hiện liên kết và phát triển vùng nguyên liệu theo hướng an toàn bền vững với diện tích 5.000ha tại các xã: Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi A, Ninh Thạnh Lợi và Lộc Ninh.
Để sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, huyện Hồng Dân luôn tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nhân giống tôm chất lượng cao, cung cấp đầu vào cho vùng nguyên liệu, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Nuôi trồng thủy sản phải gắn với quản lý môi trường, hạn chế rủi ro trong canh tác. Song song đó, quản lý tốt việc khai thác và sử dụng hiệu quả công trình thủy lợi trên địa bàn. Đầu tư nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng, cấp và thoát nước, phát huy tối đa các trạm bơm điện phục vụ việc bơm tát ở vùng ngọt và vùng mặn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, dân sinh của nhân dân.
Cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt về hiệu quả của việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp so với thực hiện theo kiểu truyền thống, huyện Hồng Dân yêu cầu các địa phương lồng ghép tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vào chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giải quyết được 4 vấn đề lớn: hộ nghèo, thu nhập, lao động và kinh tế tập thể trong nông thôn. Từ đó, chung sức thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.