Thuê đất trồng cam sành, thu tiền tỷ
- Thứ năm - 17/11/2016 19:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khởi nghiệp bằng đam mê
Mới bước qua tuổi 40 nhưng anh Bửu đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong canh tác cây cam sành. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam trĩu quả của mình, anh kể: “Học xong THPT, tôi chính thức quản lý vườn cây ăn trái của gia đình. Trước đó có theo cha học hỏi và phụ giúp nên tôi cũng có một ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi trực tiếp làm mới thấy quả thật làm nông rất khó. Tôi bắt đầu mày mò, nghiên cứu trên sách báo, đi khắp nơi học hỏi”.
Anh Bửu bên vườn cam trĩu quả chuẩn bị cho cho thu hoạch. Ảnh: C.L
Khoảng 3 năm trở lại đây, với mong muốn có được giống cây trồng rõ nguồn gốc, có chất lượng, anh Bửu bắt tay vào sản xuất cây giống, thành lập hợp tác xã cây giống Thiên Phước. Mỗi năm cung cấp cho nông dân khoảng trên 70.000 cây giống các loại…
|
Từ năm 2002, anh Bửu đã chuyển hẳn diện tích vườn xoài đã thoái hóa của gia đình sang trồng cây có múi, mà chủ lực là cây cam sành. Quá trình này anh vừa làm vừa học hỏi, tích lũy vốn liếng để ấp ủ một ước mơ lớn hơn. Theo anh Bửu, nghiệp nông gia gắn chặt với anh tất cả vì tự nguyện và đam mê. Khi đã có chút kiến thức về cam sành, anh nghĩ ngay đến việc phải mở rộng canh tác. Tuy nhiên, lúc này anh không có đủ vốn để mua đất. Sau một thời gian tính toán, anh quyết định “làm liều” tìm đến vườn cam có sẵn để thuê.
Năm 2005, anh Bửu thuê lại vườn cam sành gần nhà có diện tích 6.000m2, (với giá 160 triệu đồng, trong thời gian 5 năm, trả thành 2 đợt). “Từ chuyến làm liều đó, tôi dồn sức tập trung vào canh tác, vận dụng tất cả những kiến thức mình học được. Chỉ sau hơn 8 tháng tôi đã bán được đợt cam đầu tiên với giá 16.000 đồng/kg, thu về gần 200 triệu đồng. Đó được xem là bước ngoặt đầu tiên cho nghiệp trồng cam của tôi” – anh Bửu nhớ lại.
Trong thời gian thuê đất canh tác, anh Bửu tích lũy được vốn liếng và thuê thêm được mảnh vườn có diện tích 3ha tại huyện Phụng Hiệp để tiếp tục trồng cam sành.
Thu lãi tiền tỷ
Chia sẻ với chúng tôi, anh Bửu tính toán: “Với vườn cam 3ha hiện tại, mỗi năm thu hoạch rải vụ được khoảng 120 tấn cam, tính trung bình giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, tôi có thể thu về khoảng 1,8 tỷ đồng. Tính hết các khoản chi phí, do hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học nên cực thấp, chỉ khoảng 400 triệu đồng/3ha. Như vậy, mỗi năm, với diện tích này tôi có thể thu lãi khoảng 1,4 tỷ đồng”.
Sau hơn 20 năm theo nghề, anh Bửu cho rằng, ngoài kỹ thuật thì cây giống là yếu tố mấu chốt dẫn đến thành công. Tất cả những cây cam sành sau này của anh đều được anh trực tiếp theo dõi tạo giống.
“Muốn cây có sức sống tốt, tôi tìm đến cơ sở sản xuất cây giống có uy tín ở Chợ Lách (Bến Tre) để làm hợp đồng ghép giống cho mình. Tôi yêu cầu họ sử dụng gốc cam mật, sau đó sử dụng bo cam sành từ vườn nhà tôi đem qua để ghép vào. Cam mật có sức sống tốt, tuổi thọ cao và ít bệnh nên ghép vào cây cam sành sẽ rất tốt. Canh tác theo hướng hữu cơ là hướng đi bền vững mà nhiều người trẻ mong muốn làm giàu từ nông nghiệp có thể áp dụng” – anh Bửu chia sẻ.
Tác giả: Chúc Ly
Nguồn: Dân Việt