Tỉ phú ngoại thành

Tỉ phú ngoại thành
Thời gian qua, huyện Cờ Đỏ tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân vào trong sản xuất nhằm phá thế độc canh cây lúa. Bước đầu, nông dân ý thức trong khâu chọn giống, cây trồng và vật nuôi, đồng thời ứng dụng hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều nông dân có thu nhập hàng tỉ đồng/năm nhờ vào mô hình trồng lúa chất lượng cao, lúa giống, nuôi trồng thủy sản kết hợp với làm vườn…

NÔNG DÂN ĐA NGHỀ

Nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là một sự phấn đấu không mệt mỏi của lão nông Phan Văn Lòng, ngụ ấp Đông Mỹ, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ. Với bản chất cần kiệm, yêu lao động, chịu khó học hỏi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa giống kết hợp với nuôi trồng thủy sản đã giúp nông dân có hoàn cảnh khó khăn ngày nào đến nay đã có một cơ ngơi vững chắc, nhà cửa khang trang với mức thu nhập trên 2 tỉ đồng/năm. Năm 2011, ông Lòng được Hội Nông dân thành phố tặng bằng khen đã có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ năm 2007-2011.

 Mô hình nuôi cá thát lát cườm kết hợp với cá sặt rằn của ông Phan Văn Lòng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THANH THƯ
 

Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông Phan Văn Lòng chỉ học đến lớp 5 phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Cũng nhờ tiếp cận công việc đồng áng từ thuở nhỏ, ông Lòng có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt và phát triển kinh tế. Năm 1968, ông Phan Văn Lòng kết hôn với bà Nguyễn Thị Đủ, sau đó ông được gia đình cho 15 công ruộng để canh tác. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, 8 nhân khẩu gia đình chỉ trông chờ thu nhập vào ruộng lúa nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều đêm ông cứ trằn trọc thao thức nghĩ cách tìm hướng làm ăn mới với hy vọng đưa gia đình thoát nghèo ổn định cuộc sống.

 

Năm 1982, từ số tiền dành dụm, ông Lòng mua được máy suốt lúa phục vụ cho bà con trong ấp và các huyện lân cận. Ông Lòng, cho biết: “Tôi mua được máy suốt và trẹt cũng hơn 30 triệu đồng, không còn tiền để mua máy dầu nên cha con phải chèo, chống hàng chục cây số để suốt lúa... Mặc dù làm việc vất vả nhưng bù lại kinh tế gia đình cũng khấm khá”. Sau hơn 20 năm suốt lúa thuê kết hợp với làm ruộng, gia đình tích cóp mua được 100 công ruộng. Đến năm 2007, ông phối hợp với Trung tâm Giống Cần Thơ trồng lúa và được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá khá cao. Ông Lòng chia sẻ kinh nghiệm:“Trước đây, theo tập quán sản xuất cũ, tôi sạ dầy nên năng suất thấp. Nhờ được dự các lớp tập huấn, các buổi hội thảo đầu bờ và tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tôi ứng dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa nên chi phí giảm rõ rệt, lúa cho năng suất cao. Nhờ hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên tôi không phải lo đầu ra…”. Năm 2013, hai vụ lúa đông xuân và hè thu của ông Lòng đạt năng suất từ 55 đến 60 giạ/công, bán với giá 8.500 đồng/kg, cho thu nhập gần trên 1,8 tỉ đồng; nuôi cá chép trên 100 công ruộng ở vụ thu đông cũng cho thu nhập khoảng 20 đến 30 triệu đồng /vụ. Bên cạnh đó, hằng năm, vào mùa vụ xuống giống hay thu hoạch lúa, ông Lòng giải quyết từ 15 đến 20 lao động địa phương phục vụ cho việc sản xuất, phơi sấy lúa và thu mua lúa nông dân về tạm trữ. Ông Lòng cho biết: “Lò sấy khoảng 10 tấn dùng để sấy lúa nhà và mua lúa ướt của nông dân về tạm trữ. Năm 2013, tôi mua 400 tấn lúa của nông dân về phơi và dự trữ. Sau hơn 5 tháng thu lời gần 500 triệu đồng”.

Mô hình nuôi cá chạch Nhật của ông Nguyễn Văn Hữu hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THANH THƯ

Gần 10 năm nay, ông Lòng được nhiều người dân trong ấp biết tiếng bởi là người tiên phong và gặt hái nhiều thành công trong phong trào nuôi cá sặt rằn và cá thát lát cườm...ở địa phương. Nhờ tính chịu khó, ham học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hằng năm ông Lòng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Năm 2013, ông Lòng mua 15 triệu đồng giống cá thát lát cườm và cá sặt rằn nuôi trên diện tích 2.000m2 ao vườn. Sau 8 tháng chăm sóc, cá đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con. “Cách đây 3 tháng, tôi bán được 2 tấn cá thát lát cườm với giá 65.000 đồng/kg và 6 tấn cá sặt rằn với giá 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lời trên 250 triệu đồng” - ông Lòng phấn khởi khoe với chúng tôi. Theo ông Lòng, mặc dù chi phí đầu vào của cá thác lát cườm khá cao, nhưng thị trường ổn định, giá luôn ở mức từ 65.000 - 80.000 đồng/kg nên người nuôi đảm bảo có lời. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá thát lát cườm kết hợp với cá sặt rằn, ông Lòng, cho biết: “Đặc điểm của loài cá này có sức đề kháng mạnh, ít bệnh. Bên cạnh đó, phải nuôi kết hợp cá sặt rằn với cá thát lát để chúng ăn thức ăn thừa, chất thải cá thát lát giúp cho nguồn nước ao sạch, cá phát triển khỏe mạnh, ít bệnh...”.

 

Mặc dù ở tuổi 64 nhưng lão nông này luôn chăm chỉ làm ăn, nắm bắt cơ hội mới nên có thu nhập hàng tỉ đồng/ năm. Sắp tới, ông Lòng tiếp tục phát triển trồng lúa giống để cung ứng cho thị trường, mở rộng kho dự trữ lúa, đồng thời phát triển nuôi thủy sản kết hợp với làm vườn góp phần nâng cao thu nhập gia đình, tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương.

 NHẠY BÉN VỚI THỊ TRƯỜNG

Hơn 5 năm nay, mô hình ươm cá bột giống đã được bà con nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nắm bắt được nhu cầu thực tế, ông Nguyễn Văn Hữu, ấp 2, xã Thới Hưng đã có thu nhập hàng tỉ đồng/ năm từ mô hình ươm cá bột kết hợp với phát triển kinh tế vườn.

Năm 2006, ông Nguyễn Văn Hữu mạnh dạn thuê các phương tiện cơ giới đắp bờ bao xung quanh 5 ha đất ruộng của mình để đầu tư phát triển mô hình ươm cá tra bột. Theo ông Hữu, việc ươm cá bột không quá phức tạp, giống như nuôi các loại cá khác trong hồ. Khâu chuẩn bị ao nuôi phải qua các bước: xả cạn ao, bón vôi sát trùng nước, cho nước vào ao, bón phân tạo độ mùn tơi xốp cho ao. Sau đó là tiến hành thả cá bột. Thức ăn cho cá bột cũng là các loại thức ăn dành cho cá phổ biến trên thị trường. Người nuôi cũng cần nắm được các bước kỹ thuật khi cho cá ăn. Trong 10 ngày đầu sẽ cho ăn cám bột 40 độ đạm. Từ 10 đến 15 ngày, cho ăn cám viên 40 độ đạm. Từ 20 ngày trở lên cho ăn loại viên với 30 độ đạm. Cá tra bột được đặt từ các trại cá ở Tiền Giang, Đồng Tháp. Sau 3 tháng ươm, cá bột sẽ được bán cho các mối cung cấp cá giống ở các địa phương. Với thời gian ngắn, nông dân dễ dàng xoay vòng vốn và có thể sản xuất được nhiều vụ trên/năm. Ông Hữu nhớ lại: “Năm 2011, gia đình nuôi 25 triệu con cá tra bột với chi phí trên 20 triệu đồng về nuôi trên 3,5 ha ruộng”. Sau 3 tháng chăm sóc, ông thu được 16 tấn cá, với giá từ 57.000 đến 96.000 đồng/kg ông thu nhập trên 1,4 tỉ đồng.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, đầu ra cá tra gặp khó khăn, mô hình ươm cá giống không mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng là lúc ông Hữu tìm hướng đi mới cho riêng mình. Qua nghiên cứu, tìm tòi những giống cá mới về ứng dụng trên diện tích ao nuôi của mình. Năm 2013, lão nông này đã mua 10.800 con cá chạch Nhật với số tiền trên 10 triệu đồng để nuôi thí nghiệm trong vèo. Qua hơn 2 tháng nuôi, cá phát triển rất nhanh, ước tính trọng lượng trên 100 kg cá thịt, hiện nay, giá thị trường khoảng 200.000 đồng/ kg. Theo kinh nghiệm của ông Hữu, cá chạch Nhật có sức đề kháng mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp, dễ nuôi, mau lớn, hồ nuôi chỉ cần nước sạch, thông thoáng, không đòi hỏi phải có cánh quạt nước nên đỡ tốn kém. Đặc biệt, cá chạch Nhật khi chuyển đi xa, người ta có thể ướp nước đá cho cá ngủ đông trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó thả cá vào nước ngọt, cá sẽ sống lại nên rất thuận tiện cho việc chuyên chở. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm ươm cá giống nên ông Hữu nắm vững kỹ thuật, quy trình chăm sóc. Ông Hữu khẳng định: “Cá chạch Nhật không những dễ nuôi mà còn phát triển nhanh, giá cả thị trường hiện rất hấp dẫn nên tôi mạnh dạn đầu tư vào mô hình này”. Đầu năm 2014, ông cùng một số anh em trong ấp đầu tư thả 2 triệu con giống cá chạch Nhật với số tiền trên 100 triệu đồng để thả nuôi trên 1ha đất ruộng. Bên cạnh việc đam mê nghề nuôi thủy sản, lão nông 75 tuổi này còn mạnh dạn đầu tư trồng trên 400 gốc nhãn da bò hiện đang cho thu hoạch. Ông Hữu phấn khởi cho biết: “Cách đây 1 tháng, tôi bán được gần 3 tấn nhãn, giá 11 đến 14.000 đồng/kg cũng cho thu nhập trên 30 triệu đồng”.

Ông Đàm Văn Lẹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hằng năm Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, tổ chức 400 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và hội thảo đầu bờ có 16.000 lượt hội viên nông dân tham dự; tổ chức thăm đồng, tham quan các mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Nhờ đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc trồng trọt và chăn nuôi, nhiều nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng năm 2013, trên địa bàn huyện có 10.193 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở 4 cấp. Những kết quả trên đã khẳng định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân”.

Nguồn: Báo Cần Thơ