Tỉ phú quýt đường
- Thứ hai - 18/09/2017 21:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy sống ở xứ sở quýt hồng Lai Vung, nhưng ông Tống Văn Phong lại trở thành tỉ phú nhờ cây quýt đường.
Khởi nghiệp từ 1,5 công đất
Ông Tống Văn Phong (55 tuổi, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung, Đồng Tháp) kể trước đây gia đình ông rất khó khăn. Ngày ông ra riêng cha mẹ cho 2 công đất ruộng nhưng làm không đủ ăn. Để thay đổi cuộc đời, ông mạnh dạn đổi ruộng cho người khác lấy 1,5 công đất gò cao lên liếp trồng cây ăn trái.
Theo ông Phong, khoảng năm 2000, phong trào trồng quýt hồng ở Lai Vung phát triển rầm rộ nên ông quyết định thử với loại cây này. Trồng, chăm sóc chu đáo nên vườn quýt hồng của ông phát triển rất tốt, nhưng khi cây chuẩn bị cho trái thì cơn lũ lớn đã làm ông trắng tay. Rồi tình cờ được tham quan các mô hình sản xuất, ông quyết định chọn cây quýt đường để gây dựng lại kinh tế gia đình.
Để có mô hình trồng quýt đường thành công như hôm nay, ông Phong đã tự nghiên cứu cho ra quy trình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là chọn thời điểm xử lý cho trái nghịch mùa và sử dụng phân hữu cơ. “Tôi cũng luôn đảm bảo uy tín với khách hàng qua việc phân loại trái nên tạo được thương hiệu riêng. Ngoài ra, tôi trực tiếp mang sản phẩm đến các chợ đầu mối trái cây tại TP.HCM giới thiệu, tìm bạn hàng”, ông Phong nói.
Đến nay, ông Phong đã thành công với mô hình trồng quýt đường. Mỗi khi khách hàng thấy thùng quýt đường thương hiệu “Tư Phong” là tin tưởng, yên tâm về chất lượng. Nhờ sản xuất theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ nên quýt của ông Phong luôn đảm bảo chất lượng, đầu ra ổn định. Từ 1,5 công đất ban đầu, ông tích lũy vốn mua thêm đất lập vườn, đến nay đã có 1,7 ha quýt và thuê thêm 3 ha trồng cam xoàn, mận An Phước, lợi nhuận hằng năm trên 2 tỉ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. Ngoài ra, ông Phong còn truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tránh lãng phí mà vẫn bảo vệ tốt vườn cây và cho sản phẩm trái an toàn; sẵn sàng cho nông dân mượn cây giống, bảo lãnh mua vật tư...
Quyết tâm sản xuất sạch
Ngay từ những ngày đầu trồng quýt đường, ông Phong đã có ý thức xây dựng thương hiệu, tạo sự khác biệt để gây dựng lòng tin người tiêu dùng. Việc đầu tiên là ông dán nhãn “Quýt đường Tư Phong” lên những thùng quýt của mình. Người mua chỉ cần nhìn vào nhãn hiệu là biết hàng loại 1 hay loại 2 và tin tưởng mua ngay mà không phải lo ngại chất lượng trái không đạt.
Không chỉ phân loại sản phẩm đúng kích cỡ, ông Phong còn chú trọng đến việc sản xuất an toàn, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật đúng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Để tạo niềm tin vững chắc hơn nữa đối với khách hàng, ông dán hình, số điện thoại của mình lên những thùng quýt và mang đi tiêu thụ. “Tôi tự làm những việc này với mong muốn người tiêu dùng và nông dân sản xuất quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù nhiều người nói việc tôi làm không giống ai, nhưng vì sức khỏe người tiêu dùng và sự sống còn của nông sản nên tôi kiên trì thực hiện”, ông Phong chia sẻ.
Sau khi tham gia chuyến đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Thái Lan năm 2014, ông Phong như “thức tỉnh” và càng quyết tâm hơn với định hướng sản xuất sạch. Một năm sau đó, ông vận động nông dân xã Vĩnh Thới cùng tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất quýt đường GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), do ông làm tổ trưởng. Tổ gồm có 11 nông dân (diện tích hơn 40 ha) cùng chí hướng và quyết tâm đeo đuổi mô hình sản xuất sạch. “Ban đầu khi thực hiện ý định này tôi bị nhiều người cười vì tiêu chuẩn VietGAP đã khó, nông dân chưa chịu làm huống chi làm GlobalGAP”, ông Phong kể. Tuy nhiên, việc Tập đoàn VinGroup sau đó đến khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ quýt đường từ tổ hợp tác vào cuối năm 2016 đã làm cho những thành viên trong tổ ai cũng vui mừng. Vậy là công lao của những nông dân sản xuất tử tế này được ghi nhận.
Ông Phong cho biết thêm trung bình mỗi tháng tổ cung cấp hàng chục tấn quýt đường trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu. Từ uy tín và cách làm bài bản của tổ hợp tác, Tập đoàn VinGroup còn liên kết để tiêu thụ cam xoàn và mận tại Lai Vung. Đáng chú ý là giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường từ 15 - 20% nên nông dân luôn yên tâm sản xuất.
Để đáp ứng số lượng lớn, liên tục, trong khi diện tích và năng suất cũng như chủng loại trái cây của tổ chưa nhiều, ông Phong chọn giải pháp mở rộng mạng lưới liên kết với nông dân. Đến nay, có khoảng 100 hộ dân liên kết để cung cấp sản phẩm. “Tôi sẽ thử nghiệm trồng cây ăn trái công nghệ cao, trước mắt là 5 ha. Nếu thành công sẽ gắn với du lịch để du khách đến tham quan có thể thưởng thức trái cây sạch tại vườn và đây là cách quảng bá sản phẩm hiệu quả nhất”, ông Phong nói. |
Nguyên Đạt/thanhnien.vn