Tiền Giang: Nhân rộng mô hình đánh bắt hải sản hiệu quả

Tiền Giang: Nhân rộng mô hình đánh bắt hải sản hiệu quả
Người dân xã Tân Phước (Gò Công Đông - Tiền Giang) vốn có nghề lưới rê. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào cho chuyến biển ngày càng tăng, trong khi nguồn lợi thủy sản khan hiếm nên một số tàu lưới rê phải nằm bờ. Trước tình hình này, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ nghề lưới rê cá đỏ sang lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp (lưới rê xù), mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều ngư dân ở ấp 4, xã Tân Phước cho biết, nghề đánh bắt hải sản ở địa phương đã hình thành từ lâu đời và phát triển cho tới ngày nay theo kiểu cha truyền con nối, nhất là đối với nghề lưới rê. Qua cải tiến hệ thống ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác, các tàu lưới rê ngày càng lớn mạnh về số lượng, công suất máy nên vươn khơi xa hơn, chủ yếu là đánh bắt ở vùng Gò Nổi, nhà giàn DK1, khu vực quần đảo Trường Sa và vùng biển tiếp giáp Malaysia.

Bà Nguyễn Thị Dưa ở ấp 4 cho biết: "Năm 2011, tôi là một trong hai ngư dân thực hiện chuyển đổi nghề đầu tiên ở địa phương và được trang bị một vàng lưới rê cá dưa để khai thác, thay thế lưới cá đỏ. Và chỉ trong chuyến biển đầu tiên kéo dài 4 tháng, tàu của gia đình đã thu về 50 tấn hải sản, trị giá 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 1,25 tỷ đồng".

Cũng thực hiện mô hình chuyển đổi từ nghề lưới rê cá đỏ sang lưới rê cá dưa, tàu cá TG-93639-TS do ông Nguyễn Thanh Nguyên ở ấp 4 làm chủ cũng hoạt động khá hiệu quả. Cụ thể, trong chuyến biển đầu tiên kéo dài khoảng 2,5 tháng vào năm 2011, tàu này đã khai thác được 15 tấn hải sản các loại, trị giá 600 triệu đồng, lợi nhuận tơn 300 triệu đồng. 

Kết quả khai thác những chuyến biển đầu tiên của những tàu thực hiện mô hình chuyển đổi thấy, sản lượng cá đánh bắt được tăng hơn 50% và hiệu quả tăng khoảng 45% so với hành nghề lưới cá đỏ. 

Tính đến cuối năm 2012, ở xã Tân Phước đã có hơn 10 tàu thực hiện chuyển đổi nghề đánh bắt xa bờ. Hầu hết các ngư dân đều cho biết, nhờ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh vận động chuyển đổi nghề đúng hướng nên hiệu quả kinh tế tăng cao, ngư dân cũng yên tâm vươn khơi, bám biển.

Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình chuyển đổi nghề khai thác đang gặp phải nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư mới vàng lưới khá lớn, trong khi nguồn vốn của ngư dân có hạn; các nghề lưới rê của ngư dân chủ yếu khai thác ở các vùng khơi xa, các vùng biển chồng lấn nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý của ngư dân…

Về điều này, Thạc sĩ Huỳnh Văn Thảo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ chuyển đổi nghề khi cần thiết, nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác. Bên cạnh đó, cần sớm thay đổi cơ cấu nghề cá, từ nghề cá "nhân dân" sang nghề cá "quân dân kết hợp". Chẳng hạn, một tàu hải quân có thể kết hợp với 15-20 tàu ngư dân, trong đó tàu hải quân vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, vừa tiến hành khai thác hải sản hoặc làm tàu "mẹ", chuyên cung ứng nguyên liệu, vật tư và thu mua, sơ chế sản phẩm cho ngư dân. Điều này vừa giúp ngư dân yên tâm khai thác, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Thành Công
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn