Tiếp sức cho nông dân làm giàu
- Chủ nhật - 06/05/2018 08:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên vui mừng trước những mùa cam trĩu quả |
Bà con chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật
Với khí hậu thuận lợi, đất đai phù hợp với cây có múi... nên chục năm trở lại đây, nhiều loại cây có múi, trong đó có cam sành, đã được người dân ở Bắc Tân Uyên đầu tư trồng theo mô hình trang trại quy mô lớn.
Để có được những trái cam sành quả mọng, lòng vàng, mùi thơm, vị ngọt pha chút chua dịu, người trồng cam ở Bắc Tân Uyên đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư nhiều tỷ đồng để lắp đường điện phục vụ hệ thống nước tưới nhỏ giọt, cuốc liếp, phủ bạt nhựa lên các liếp cam, giăng lưới để hạn chế ánh nắng... Ngoài ra, nhiều nhà vườn còn ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất giúp cho vườn cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả cao, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Với hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các mô hình sản xuất khác, đến nay, cam sành đã trở thành cây trồng mũi nhọn tại huyện Bắc Tân Uyên với diện tích trên 10.000 héc-ta, cho sản lượng 400.000 tấn/năm; tập trung ở các xã Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định, Hiếu Liêm…
Không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường phía Nam, cam sành Bắc Tân Uyên nay đã được tiêu thụ tại nhiều thành phố lớn, trong hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối với giá bán từ 40.000 - 65.000 đồng/kg.
Nếu như chính vụ của cam Bắc Tân Uyên là tháng 9, tháng 10, thì với kinh nghiệm, sự khéo léo và nhạy bén, các ông Lâm Thành Thắm (Ba Thắm), ông Trần Thanh Có (Tư Có) ở xã Hiếu Liêm… đã nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng phương pháp ép cây cho ra quả trái mùa, vào dịp hè nắng nóng, hoặc dịp Tết Nguyên đán...
Từ lợi nhuận vài trăm triệu đồng/héc-ta, khoảng 4 năm trở lại đây, với mỗi héc-ta đất trồng cam trái vụ, nhiều hộ dân thu lãi tiền tỷ. Cây cam cùng nhiều loại cây có múi đã góp phần nâng cao đời sống, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Hiệu quả từ phát triển cây có múi còn giúp huyện Bắc Tân Uyên đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 5/10 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Áp dụng VietGAP để nâng cao giá trị
Để mở rộng đầu ra, mấy năm trở lại đây, huyện Bắc Tân Uyên đang chuyển đổi trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người trồng phải tuân thủ theo 4 nguyên tắc “đúng thuốc”, “đúng lúc”, “đúng nồng độ và liều lượng” và “đúng cách”. Kết quả đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho thấy, các hộ tham gia dự án đều quan tâm, học hỏi cách sản xuất mới này và thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo VietGAP, đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, thông qua 4 tiêu chuẩn: Kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Bên cạnh đó, các hộ cũng quan tâm đến việc xử lý, thu gom, tiêu hủy bao bì, phế phẩm thuốc bảo vệ thực phẩm để giảm ô nhiễm môi trường. Cam sành trồng theo chuẩn VietGAP cho quả ngọt thanh, ruột vàng và mọng nước. Quả có vỏ dày xanh thẫm, hơi sần sùi, khi chín hơi ngả vàng. Cam trồng theo tiêu chuẩn này cũng có giá bán cao hơn hẳn nhờ được phân phối chủ yếu cho các hệ thống siêu thị.
Cùng với những vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tháng 8/2017, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “cam Bắc Tân Uyên” cho tỉnh Bình Dương. Đây được xem như “giấy thông hành” để trái cam Bắc Tân Uyên có thêm cơ hội nâng cao năng suất và giá trị.
Theo Phương Tú/Báo Công Thương.vn