Tiếp tục nhân rộng sản xuất nông sản vì sức khỏe cộng đồng
- Thứ năm - 30/05/2019 20:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cần khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Chiều 29/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.
Ngày 3/11/2017, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-LHHPNVN về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng động giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Chương trình 526).
Với vai trò đầu mối thực hiện Chương trình 526, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền, tập huấn kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn theo 3 chuỗi ngành hàng: thực vật, động vật, và thủy sản. Bộ tài liệu đã được chuyển giao cho Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập huấn, tuyên truyền.
Theo đó, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức được gần 46.000 lớp tập huấn với trên 1,2 triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức các lớp tập huấn cho gần 171.000 cán bộ hội.
Qua đây, trên 7,1 triệu lượt phụ nữ đã được tham gia các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm do các cấp hội tổ chức.
Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội đã vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đặc biệt xóa bỏ tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng” ở một số bộ phận hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Đã có gần 1,3 triệu hội viên, nông dân, trên 2 triệu gia đình hội viên phụ nữ ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Bên cạnh việc vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng sản xuất, các cấp hội còn nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; trong đó, chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, dần loại bỏ tư tưởng, hình thức sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”.
Các cấp hội cũng hỗ trợ các hội viên xây dựng, kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Hội Nông dân Việt Nam đã liên kết với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ký kết gần 67.000 hợp đồng tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho gần 1.400 sản phẩm.
Tuy đạt được những kết quả lớn, nhưng theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận thức của nông dân về an toàn thực phẩm còn hạn chế, quen cách thức sản xuất cũ.
Nông dân mong muốn sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, nhưng gặp khó khăn do người tiêu dùng chưa phân biệt được nông sản an toàn và không an toàn, giá bán nông sản an toàn không cao hơn nhiều. Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề lo ngại của người dân…
Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, năm thứ hai thực hiện Chương trình 526 là 100% tỉnh, thành hội và 90% huyện, thị và cơ sở hội phát động phong trào nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn. 100% các dự án, mô hình, tổ nhóm do các cấp hội xây dựng, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì phát triển bền vững.
Các cấp hội sẽ tổ chức, vận động 80% hội viên nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; dần xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm mang thương hiệu các cấp hội.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần xử phạt nghiêm trường hợp còn vi phạm, chưa nghiêm túc sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, chỉ sau 1 năm triển khai, Chương trình 526 đã đem lại hiệu ứng rất lớn, từ nhận thức đi vào hành động đã có sự chuyển biến thực tiễn rõ nét, hiệu quả.
Lực lượng nông dân, phụ nữ là rường cột trong việc thực hiện chương trình, những mũi nhọn đóng góp quan trọng vào nâng cao chuyển biến trong nhận thức xã hội về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chương trình 526 cần tiến xa hơn nữa. Năm 2018, ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD, nên nếu chỉ dừng lại các mục tiêu của chương trình là chưa đủ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Các cấp hội đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản sạch.
Những trường hợp còn vi phạm, chưa nghiêm túc sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm phải được cảnh báo, xử phạt nghiêm nhằm xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng” (nghĩa là lợn sạch, rau sạch thì để nhà ăn; còn lợn tăng trọng, rau phun thuốc thì đem chợ bán).
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn… vận động hội viên sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Theo Đỗ Hương/chinhphu.vn