Tiêu thụ nông sản: Cách làm của Vĩnh Phúc

Ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này tự tin khẳng định: "Các tỉnh thế nào thì không biết, chứ riêng Vĩnh Phúc tôi chưa thấy nông sản ế ẩm bao giờ..."
Bí đỏ Vĩnh Phúc chưa bao giờ bí đầu ra
Chưa bao giờ bí đầu ra  
 
Ngoài vai trò của các Bộ, ngành TƯ trong việc đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, nhiều địa phương bằng những cách làm khác nhau cũng đã nỗ lực tìm đường tiêu thụ cho nông sản rất hiệu quả. Vĩnh Phúc là một điển hình... 
 
Vĩnh Phúc, một tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn ở ĐBSH với những sản phẩm nông sản không có quá nhiều sự khác biệt so với những tỉnh khác, tuy nhiên khi nói tới câu chuyện tiêu thụ nông sản, ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này tự tin khẳng định: "Các tỉnh thế nào thì không biết, chứ riêng Vĩnh Phúc tôi chưa thấy nông sản ế ẩm bao giờ. Nếu như nhiều địa phương luôn loay hoay với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì thì ở Vĩnh Phúc, cũng chỉ những cây trồng truyền thống, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng. Cụ thể từ mức bình quân 108 triệu đồng/ha năm 2011 lên 125 triệu đồng/ha năm 2013 và 130 triệu đồng/ha năm 2014. Một trong những quan điểm đơn giản của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh về tiêu thụ nông sản đó là: Đừng hắt hủi con buôn!". 
 
Nếu như các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và Tam Dương là trục tam giác sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Vĩnh Phúc thì hiện nay, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) đã trở thành một thỏi nam châm không chỉ hút toàn bộ nông sản cho Vĩnh Phúc mà còn là bà đỡ cho nhiều địa phương khác ở miền Bắc. 
 
Hiện nay, Thổ Tang đã hình thành một đội ngũ thương lái vô cùng đông đảo, vừa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, chuyển hàng vào Nam, vừa tung nông sản của Vĩnh Phúc tới mọi ngõ ngách dân cư của các tỉnh miền núi phía Bắc. 
 
Mỗi đại lí nông sản ở Thổ Tang chuyên kinh doanh một mặt hàng chuyên biệt, nhà chuyên củ đậu, nhà chuyên dưa chuột, nhà chuyên bí đỏ, chỗ chuyên su su… Họ hình thành hệ thống chân rết thu mua tới tận các xã có vùng sản xuất lớn trong tỉnh. 
 
Với định hướng đưa Thổ Tang thành trung tâm trung chuyển, thương mại lớn không chỉ của Vĩnh Phúc mà còn cho các tỉnh lân cận, hiện UBND tỉnh đã có chương trình mời một số chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về tận nơi khảo sát, tư vấn thành lập chợ đầu mối nông sản tại Thổ Tang với diện tích trên 200 ha
 
Bí đỏ và dưa chuột, hai loại cây rau không có gì xa lạ nhưng lại là những cây trồng được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc xác định cây chủ lực được ưu tiên dành chính sách phát triển. 
 
Diện tích bí đỏ những vụ đông gần đây của Vĩnh Phúc luôn đạt gần 2.000 ha, sản lượng trung bình gần 40 nghìn tấn/vụ. Sản lượng bí đỏ nhiều như thế nhưng chưa năm nào, quả bí ở Vĩnh Phúc có lời ra tiếng vào về đầu ra, giá cả. 
 
Ông Lê Thanh Hào, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc lí giải, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc là đơn vị thường trực được UBND tỉnh và Sở NN-PTNT giao khâu xúc tiến thương mại cho nông sản của tỉnh. Xúc tiến thương mại là nội dung mà năm nào nghị quyết HĐND tỉnh cũng đặc biệt dành riêng chú trọng. 
 
Cách làm để tiêu thụ bí đỏ, dưa chuột hay các loại nông sản khác mà Trung tâm khuyến nông triển khai cũng khá đơn giản: Đầu mỗi vụ sản xuất, Trung tâm cho mời các đại lí thu mua nông sản ở thị trấn Thổ Tang tới, dự hội nghị triển khai sản xuất để họ nắm được kế hoạch năm nay nông dân trong tỉnh trồng bao nhiêu bí, trồng bao nhiêu dưa. 
 
Gần đến cuối vụ, Sở NN-PTNT lại tổ chức tiếp hội nghị đầu bờ, cho mời thương lái, doanh nghiệp thu mua chế biến tới dự lần nữa, đích thân đi thăm kết quả sản xuất ở các vùng trọng điểm để họ nắm được tình hình năng suất, sản lượng ra sao. 
 
Đối với hệ thống chân rết đại lí thu mua, Trung tâm khuyến nông chỉ đạo cán bộ đi rà soát, thống kê tất cả các địa điểm đại lí, sản lượng, chủng loại dự kiến mua từng nơi, sau đó dán thông báo, đồng thời đăng thông tin lên website của Trung tâm và của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc để nông dân biết. 
 
Để tạo thêm nguồn tiêu thụ, Trung tâm khuyến nông tổ chức đưa nông dân vào tận các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai… liên hệ với các DN thu mua lớn tại đây. Vụ đông là vụ sản xuất rau chính phía Bắc nhưng phía Nam lại rất khan mặt hàng này. 
 
Vì vậy đến vụ thu hoạch, hàng chục xe container ở các tỉnh phía Nam đỗ sừng sững ngay tại các vựa bí, dưa chuột. Mặc dù lượng tiêu thụ không nhiều so với thương lái Thổ Tang, nhưng sự góp mặt đông đảo, tạo nên thị trường trăm người bán vạn người mua giúp giá rau màu vụ đông ở Vĩnh Phúc luôn ổn định. 
 
Riêng bí đỏ là cây dễ trồng, đầu tư thấp nhưng giá năm nào cũng ổn định từ 4-5 nghìn đồng/kg, giúp nông dân có lãi 2- 3 triệu đồng/sào
 
Khác với nhiều địa phương có tâm lí hắt hủi đối với thương lái Trung Quốc, Vĩnh Phúc lại hết sức tạo điều kiện cho đội ngũ này và xem đây là một kênh quan trọng hút đầu ra cho sản phẩm nông sản. 
 
Điển hình tại vùng sản xuất su su Tam Đảo, ngoài các thương lái tiêu thụ cho thị trường nội địa, mới đây, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện cho 3 thương lái Trung Quốc thuê đất, đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, kho lạnh, đầu tư hộp xốp, khay nhựa bao gói bảo quản sơ chế… ngay tại địa phương để thu mua bảo quản su su trước khi xuất khẩu về Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. 
 
Su su Tam Đảo chưa bao giờ phải gặp cảnh được mùa rớt giá 
 
Từ năm 2011 đến nay, Vĩnh Phúc luôn cố gắng dành nguồn kinh phí từ 200-300 triệu đồng/năm giao Trung tâm khuyến nông tỉnh tham gia, tổ chức trên 12 sự kiện xúc tiến thương mại nông sản lớn của ngành nông nghiệp nhằm đưa sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh quảng bá ra thị trường như thanh long ruột đỏ Lập Thạch; su su, mật ong Tam Đảo; bí đỏ Vĩnh Tường, cá thính Lập Thạch… 
 
Vì vậy, với diện tích su su thường xuyên lên tới 300-400 ha, nhưng chưa bao giờ su su Tam Đảo bí tiêu thụ. 
 
Thừa nhận rằng những giải pháp thị trường dựa vào tư thương chỉ là bài toán ngắn hạn tạm thời, tuy nhiên, ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc có cách nhìn riêng: “Tôi cho rằng chúng ta cần có cái nhìn công bằng hơn, không nên xem tư thương với con mắt con buôn, ép giá nông dân. Trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thương lái rõ ràng luôn có lợi, thậm chí thu nhập cao hơn nông dân. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận sự thật đó”. 
 
Các sự kiện khuyến nông được tổ chức theo chuyên đề riêng của từng sản phẩm, trong đó đội ngũ không thể thiếu trong mỗi sự kiện đó là các doanh nghiệp, thương lái. 
 
Tỉnh này cũng thường xuyên mời các chuyên gia Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc về thăm, tiếp xúc với các vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, thậm chí đưa các sản phẩm như thanh long ruột đỏ, mật ong Tam Đảo sang chào hàng tạo một số hội chợ lớn của tỉnh Chung – Cheng – Buk của Hàn Quốc (là tỉnh kết nghĩa với Vĩnh Phúc). 
 
Một chương trình sản xuất gạo chất lượng cao Japonica cũng từng được một doanh nghiệp của Nhật triển khai với mô hình cánh đồng mẫu lớn rất hiệu quả tại Vĩnh Phúc. Mới đây, Tập đoàn VinGroup đã có kế hoạch đầu tư một số dự án lớn về nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc. Đây đang là kỳ vọng mở ra giai đoạn mới cho nông nghiệp tỉnh này.
 
Lê Bền (nongnghiep.vn)