Tìm hướng đi cho hợp tác xã
- Chủ nhật - 13/05/2018 22:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Trần Ngọc Quang - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hiện Bắc Kạn có 128 hợp tác xã kiểu mới, đa phần hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 26 hợp tác xã được đánh giá là hoạt động hiệu quả căn cứ theo Bộ tiêu chí đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam.
Theo đó, hoạt động của phần lớn các hợp xã trong tỉnh còn nhiều hạn chế nhất định, năng lực nội tại yếu kém, chưa có các hình thức liên doanh, liên kết trong khu vực HTX, cũng như giữa HTX với các tổ chức doanh nghiệp. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là liên kết “4 nhà” (nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp) còn lỏng lẻo dẫn đến năng suất lao động thấp, thiếu sản phẩm có thương hiệu và số lượng ổn định đáp ứng thị trường.
Về phía các HTX cũng gặp không ít khó khăn trong thực tế triển khai, như việc tiếp cận và tận dụng được chính sách hỗ trợ vẫn là điều không hề dễ dàng.
Như HTX Trần Phú có trụ sở tại thôn Nà Sát, xã Hảo Nghĩa với 8 thành viên tham gia. Hiện nay, HTX chủ yếu tập trung vào việc chăn nuôi gà ta, ngan Pháp, vịt, ngỗng với quy mô lớn. HTX nuôi gần 4.000 con gà ta, hơn 200 con ngan, ngỗng. Ngoài ra, HTX còn tổ chức trồng rừng sản xuất với hơn 10ha cây keo.
Tuy nhiên, anh Phan Văn Tuân, Giám đốc HTX Trần Phú, huyện Na Rì tâm tư: Để vay được các nguồn vốn ưu đãi phát triển hợp tác xã là không dễ dàng bởi thủ tục rườm rà và HTX rất khó đáp ứng các điều kiện vay vốn.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh HTX, tỉnh Bắc Kạn đang khuyến khích người dân tham gia liên doanh, liên kết, hình thành các tổ hợp tác, HTX để phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh Bắc Kạn.
Nghị quyết đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên toàn tỉnh có 10 mô hình hợp tác xã kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, mỗi mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sẽ được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng, trong đó kinh phí mua giống, vật tư, phân bón, máy móc thiết bị tối thiểu 70% trên tổng số kinh phí hỗ trợ. Các hợp tác xã sẽ phải thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Liên minh hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn được 5 hợp tác xã xây dựng mô hình điểm hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa tại các địa phương gồm: TP Bắc Kạn, Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Mới. Đến nay đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục, xin ý kiến của các đơn vị, ngành liên quan để trình UBND tỉnh duyệt, triển khai thực hiện hỗ trợ các mô hình điểm.
Điển hình, tại huyện Ba Bể, trước đây cây bí xanh thơm trồng rải rác, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Vài năm lại đây, được thị trường ưa chuộng, huyện chỉ đạo phát triển cây bí xanh thơm theo hướng hàng hóa, sản lượng tăng, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ mở rộng đến các thành phố lớn. Hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đã góp phần thay đổi đời sống nông hộ nhiều thôn, bản.
Vụ bí xanh thơm năm 2017, toàn huyện Ba Bể trồng gần 27ha tập trung nhiều ở xã Địa Linh, Yến Dương, Cao Trĩ, Khang Ninh với sản lượng trên 1.000 tấn. Huyện Ba Bể cũng đã liên kết với nhiều cơ sở, đại lý, siêu thị ngoài tỉnh để ổn định thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đào tạo, hướng dẫn người dân thực hiện canh tác cây bí xanh thơm theo quy trình kỹ thuật; hướng dẫn bà con sử dụng các phế phẩm sinh học an toàn. Sản phẩm bí xanh thơm do vậy đã bắt đầu được tiêu thụ tại một số thành phố lớn thông qua các hệ thống siêu thị.
“Xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ và hướng đến liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ hàng hóa nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững đang là xu hướng tất yếu của các hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh Bắc Kạn”, ông Trần Ngọc Quang nhấn mạnh.
Hạnh Nhân/daidoanket.vn