Tin NN Tây Bắc: Trồng chuối mô thu gần 180 triệu đồng/ha

Tin NN Tây Bắc: Trồng chuối mô thu gần 180 triệu đồng/ha
Xã Nậm Chảy (Mường Khương – Lào Cai) hiện có gần 300ha chuối, trong đó khoảng 190ha đang cho thu hoạch.
chuoi-mo.jpg

Năm 2006, nắm bắt được thị trường có nhu cầu tiêu thụ chuối lớn, nông dân các thôn của xã Nậm Chảy giáp ranh với xã Bản Lầu (Mường Khương) đã mạnh dạn đầu tư đưa cây chuối cấy mô vào trồng chủ yếu trên diện tích đất để hoang hoá trước đây. Sau gần 3 năm trồng cho thấy cây chuối cấy mô phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, điều kiện canh tác của nông dân và trở thành một loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Diện tích trồng chuối cấy mô toàn xã hằng năm duy trì khoảng trên 150ha.

Trong vài năm trở lại đây do giá ngô hạt giảm sâu và việc tiêu thụ gặp khó khăn, nên nhiều hộ nông dân ở xã Nậm Chảy đã tiếp tục chuyển đổi một số diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây chuối cấy mô. Riêng diện tích trồng mới năm 2017 và 2018 khoảng hơn 100 ha, nâng diện tích chuối toàn xã gần 300, với khoảng 210 hộ tham gia. Diện tích trồng chuối tập trung tại 5 thôn: Sấn Pản, Mào Phìn, Gia Khâu A, Nậm Chảy, Cạm Ré.

Theo ông Tẩn Khái Phủ, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy, năng suất chuối quả đạt khoảng 20tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 150 -180 triệu đồng/ha. Với ưu thế của cây chuối mạng lại, nhiều hộ dân trên địa bàn đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng để thay thế một số diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả.

Hoàng Thu Phố: Giống lạc địa phương lần đầu tiên đạt sản lượng 20,8 tạ/ha

Nhờ áp dụng biện pháp che phủ nilon theo hướng VietGAP, giống lạc địa phương của xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai) lần đầu tiên cho sản lượng đạt 20,8 tạ/ha, tăng gấp đôi về sản lượng so với hình thức sản xuất truyền thống.

lac-1.jpg

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ triển khai tại 6 thôn, bản trên địa bàn xã Hoàng Thu Phố với tổng diện tích 10 ha, 80 hộ dân tham gia.

Nhờ được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, người dân tham gia mô hình trồng lạc đảm bảo mật độ,  khoảng cách, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý giúp cây trồng sinh trưởng tốt, sản lượng củ đạt 20,8 tạ/ha sau 5 tháng cánh tác, tăng gấp đôi về sản lượng so với hình thức canh tác truyền thống của bà con là 10 - 11 tạ/ ha.

Đặc biệt, biện pháp che phủ nilon theo hướng VietGAP (che phủ dưới gốc) đã hạn chế tình trạng thoát hơi nước và nhiều loại sâu bệnh cho cây lạc, từ đó, giảm công lao động và vật tư nông nghiệp, đem lại lợi nhuận cao hơn cho bà con. Theo tính toán, với giá lạc củ khô chưa bóc vỏ, bán tại xã hiện đạt 25.000 đồng/kg, thì 1 ha diện tích đất trồng lạc theo mô hình này giúp người dân có lãi ít nhất từ 24 triệu đồng/ha/vụ.

Lai Châu: Mở rộng diện tích cây vụ đông

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, ngô xuân hè, chăm sóc lúa mùa chính vụ, mùa muộn và ngô vụ thu, nông dân toàn tỉnh khẩn trương trồng cây vụ đông. Hiện nay, hầu hết các giống cây vụ đông (chủ yếu là cây ngô) đã được xuống giống, đảm bảo đúng khung thời vụ.

cay-vu-dong.jpg

Theo số liệu báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông năm nay, toàn tỉnh mở rộng diện tích cây trồng được 2.944/2.764ha kế hoạch. Trong đó, huyện Sìn Hồ tăng diện tích nhiều nhất so với các địa phương trong tỉnh với 180ha. Lý giải về việc này, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, mùa mưa lũ năm nay, Sìn Hồ bị thiệt hại nặng nề về diện tích nông nghiệp nói chung, diện tích lúa nói riêng. Do đó, để bù vào diện tích nông nghiệp bị thiếu hụt và đảm bảo an ninh lương thực, huyện Sìn Hồ chỉ đạo cơ quan chuyên môn vận động nông dân tận dụng các diện tích bị hư hại, sạt lở để trồng cây ngô đông.

Ở thành phố Lai Châu mặc dù diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp nhưng vụ đông năm nay cũng mở rộng được 484/458ha (tăng 26ha so với kế hoạch). Trong đó, riêng diện tích cây ngô đông tại xã San Thàng, thời điểm hiện tại bà con xuống giống được trên 80ha.

Theo anh Đào Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng, ngoài diện tích ngô đông, bà con mở rộng diện tích và thâm canh được khoảng 20ha rau màu, chủ yếu tại cánh đồng Séo Sin Chải. Hiện các hộ trồng các loại rau như: bắp cải, khoai tây, khoai lang, đậu… Để khuyến khích nông dân nâng cao năng suất, sản lượng ngô, xã San Thàng căn cứ theo chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh để hỗ trợ giá giống cho bà con; tuyên truyền các hộ thực hiện đúng khung thời vụ và khơi thông dòng chảy các kênh mương, cung cấp đủ nước tưới tiêu đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. 

Trên 5ha rau an toàn VietGAP cho thu hoạch sản phẩm

Trong khuôn khổ Dự án trồng rau an toàn theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tại vùng Dự án xã Tân Sơn (Mai Châu – Hòa Bình) có trên 5ha rau an toàn VietGAP đã cho thu hoạch sản phẩm.

rat.jpg

Cụ thể, 2,5 ha rau cải ngọt cho năng suất 25 tấn/ha; 1 ha bắp cải cho năng suất 30 tấn/ha; 2 ha rau su su cho năng suất 40 tấn/ha. Đến nay đã cơ bản thu hoạch xong diện tích bắp cải, 40% diện tích rau và 80% rau su su. Diện tích rau trong mô hình đảm bảo nguồn thu nhập tăng gấp 2 – 4 lần so với cấy lúa và một số cây màu khác. HTX dịch vụ và phát triển Tam Hòa là đơn vị đứng ra thu mua, vận chuyển cung ứng toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch của bà con cho đầu mối tại thị trường Hà Nội với giá thu mua ổn định.

Cao Phong sẵn sàng cung ứng hàng trăm tấn cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP

Hiện nay, toàn huyện Cao Phong có trên 2.600 ha cam, quýt các loại. Trong đó, khoảng 800 ha được canh tác theo quy trình VietGAP. Bắt đầu từ tháng 11, diện tích kinh doanh bước vào kỳ thu hoạch chính vụ. Dự kiến với năng suất bình quân đạt 25 – 30 tấn/ha, tổng sản lượng cam, quýt niên vụ 2018 - 2019 sẽ đạt trên 35.000 tấn, vượt khoảng 3.000 tấn so với niên vụ trước.

cam-cao-phong.jpg

Theo UBND huyện Cao Phong: Đến thời điểm diễn ra Lễ hội Cây ăn quả có múi và Hội chợ Nông nghiệp tỉnh năm 2018 (tức từ ngày 24 – 28/11/2018), các loại cam, quýt chủ lực của huyện sẽ có chất lượng rất tốt bởi đây chính là thời điểm "vàng” để thu hoạch cam, quýt Cao Phong. Với 10 gian hàng tham gia lễ hội và hội chợ, huyện Cao Phong sẵn sàng huy động hàng trăm tấn cam, quýt chất lượng cao để cung ứng cho người tiêu dùng, trong đó nổi bật là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Bên cạnh đó, các nhà vườn trên địa bàn thị trấn Cao Phong cũng đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng đón tiếp du khách đến tham quan, trải nghiệm vườn cam.

 Vân Nhi (tổng hợp)/nld.com.vn