Trang trại phải vay “tín dụng đen”: Các hợp tác xã "sống" bằng gì?
- Thứ sáu - 04/08/2017 19:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Ảnh trên - Bộ NNPTNT) cho biết như vậy khi trao đổi với PV NTNN xung quanh câu chuyện vay vốn của nông dân, chủ trang trại, HTX hiện nay.
Mới đây, qua Báo NTNN, một số nông dân, chủ trang trại cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Đối với các HTX, liệu việc này có dễ dàng hơn không, thưa ông?
- Hiện nay cả nước có khoảng 10.700 HTX. Trong đợt đánh giá sơ kết vừa qua, chỉ có khoảng 33% số HTX hoạt động có hiệu quả, còn lại hoạt động kém hiệu quả hoặc thậm chí lỗ.
Tình trạng này cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách, do các tác động bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp như thách thức về thiên tai, thị trường biến động… Nhưng vấn đề rất lớn và quan trọng nhất chính là những nguyên nhân nội tại của các HTX.
Một là trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ đứng đầu các HTX còn rất hạn chế, năng lực yếu kém, hầu hết số cán bộ HTX không được đào tạo về kỹ năng quản lý doanh nghiệp. Thứ hai, vốn liếng tài sản của các HTX hiện nay đều hết sức thiếu thốn do chủ yếu là vốn góp của các thành viên, trong khi các thành viên đều là bà con nông dân ở trong thôn, trong xã nên cũng không đóng góp được nhiều.
Bình quân vốn của các HTX hiện chỉ khoảng 1,1 tỷ đồng, thấp hơn cả các chủ trang trại (bình quân 1,3 tỷ đồng/trang trại). HTX “mang tiếng” là thuộc sở hữu của nhiều người, lực lượng thành viên đông đảo nhưng thực tế nguồn vốn còn thấp hơn cả của một ông chủ trang trại, tài sản cố định thì hầu như không có gì.
Đặc biệt với các HTX cũ chuyển sang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, ví dụ như các HTX vùng đồng bằng sông Hồng đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Số HTX này có một số tài sản nhưng chủ yếu phục vụ những dịch vụ tồn tại từ giai đoạn trước như công trình phục vụ nước tưới, sân phơi, máy phun thuốc trừ sâu…, nhưng các tài sản này đã cũ kỹ, không phục vụ nhiều cho các hoạt động của HTX kiểu mới nên không được coi là tài sản đủ điều kiện để thế chấp vay vốn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm khu nhà kính sản xuất rau có thời gian từ ươm giống tới thu hoạch trong 15 ngày của HTX Tân Tiến. ảnh: VGP/Thành Chung
Vậy các HTX hiện nay “sống” bằng gì, thưa ông?
- Tiền để mua sắm, phục vụ hoạt động của hầu hết các HTX hiện nay chỉ dựa vào số vốn hơn 1 tỷ đồng do bà con đóng góp. Số vốn đó không khác nào muối bỏ bể. Vì vậy, đã có nhiều người là giám đốc HTX, thành viên HTX phải lấy sổ đỏ của gia đình mình ra đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, có tiền hoạt động. Số còn lại không vay được vốn thì hoạt động èo uột. Không có tiền thì làm gì cũng khó.
Tại Nghị định 55, khoản 2 Điều 8 của Chính phủ quy định căn cứ vào phương án, dự án sản xuất kinh doanh phục vụ đời sống, mục đích vay của khách hàng, tổ chức tín dụng, ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phương thức quy trình thủ tục cho vay phù hợp, nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng.
Tại khoản 3, Điều 9, các đối tượng khách hàng được cho vay khi có tài sản đảm bảo quy định tại khoản 2 và phải nộp cho tổ chức tín dụng chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy xác nhận chưa được cấp đất, giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải có phương án sản xuất có hiệu quả.
Quy định là thế, nhưng vấn đề vướng mắc là tài sản của HTX hầu như không có gì, có thể HTX đó có đất nhưng lại là đất thuê, từ đó cơ sở vật chất, chuồng trại trên đất không được coi là tài sản để vay vốn. Thứ hai, thế nào là phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả? Hiện nay phương án này đều do cán bộ ngân hàng thẩm định, tôi cho rằng như vậy là chưa khách quan.
Thực tế cũng có nhiều HTX làm ăn lớn, dĩ nhiên họ phải có phương án hiệu quả thì mới làm ăn có lãi, ít nhất những trường hợp này phải được tạo điều kiện vay vốn để tiếp tục phát triển.
Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền, một trong những mô hình hợp tác hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nông dân Lào Cai. Ảnh: Mạnh Dũng
"Các HTX đều rất đói vốn, nhưng họ bị “vướng” tới “6 không” nên không vay được vốn ngân hàng: Không trụ sở, không có hoặc rất ít vốn điều lệ, không có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không hạch toán, không có hợp đồng bao tiêu, về nhân sự, ban quản lý HTX thực sự chưa đáp ứng nhu cầu phát triển”. Ông Ma Quang Trung |
Vậy theo ông, chúng ta có nên điều chỉnh vấn đề này trong Nghị định 55 hay không?
- Hiện nay, chúng tôi rất mong muốn khi điều chỉnh Nghị định 55 tới đây, Chính phủ sẽ công nhận tài sản trên đất (nhà lưới, chuồng trại…) để tạo điều kiện cho các HTX, chủ trang trại vay vốn. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất và vướng mắc nhất của HTX hiện nay là phương án sản xuất.
Tôi cho rằng, phải có một cơ quan có chuyên môn tham gia đánh giá phương án này. Phải chăng cơ quan đó nên là Phòng Nông nghiệp, hoặc Sở NNPTNT địa phương để cùng ngân hàng đánh giá phương án sản xuất của HTX, chủ trang trại nhằm đảm bảo sự khách quan, chính xác.
Có thể hàng năm, các tỉnh nên thành lập một hội đồng để tổ chức đánh giá phương án của HTX nào tốt, nơi nào chưa tốt để tạo điều kiện về vốn.
Trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với các HTX, họ phản ánh chuyện gặp khó dễ từ phía ngân hàng hay không, thưa ông?
- Các HTX “kêu” nhiều, nhưng chủ yếu là do phương án sản xuất kinh doanh của họ không được chấp nhận. Tôi cho đó không phải là ngân hàng gây khó dễ, mà do chúng ta chưa có tiêu chí để đánh giá phương án sản xuất kinh doanh, dẫn đến hai bên không tìm được tiếng nói chung. Nhiều khi cũng có ý nghĩ chủ quan của cán bộ ngân hàng khi chưa tin tưởng vào việc làm ăn của HTX.
Về phía ngân hàng, họ cũng là doanh nghiệp nên kinh doanh dựa trên lợi nhuận của họ. Vậy theo ông, chúng ta có cần xây dựng quỹ bảo hiểm rủi ro để khuyến khích các ngân hàng tham gia cho vay lãi suất ưu đãi?
- Chính phủ hiện đang xây dựng nghị định về bảo hiểm, trong đó có đối tượng HTX. Khi xảy ra rủi ro về thiên tai, dịch bệnh…, HTX sẽ được chi trả bảo hiểm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang có hình thức bảo lãnh tín dụng, các HTX nên tìm hiểu để được bảo lãnh, khi có bảo lãnh ngân hàng sẽ cho vay dễ dàng hơn.
Đã có một số HTX khá năng động, linh hoạt khi “kết nạp” cả những người làm tín dụng, doanh nghiệp vào làm thành viên HTX để thành viên đó tư vấn cho họ phương thức vay vốn, xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, rất ít HTX làm được việc này mà hầu hết là không được vay.
Xin cảm ơn ông!
Theo Minh Huệ/Dân Việt .vn