Trên cánh đồng "chó ngáp"

Trên cánh đồng "chó ngáp"
Về xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) hôm nay thấy cảnh sung túc, thanh bình khác xa hồi nào đất phèn mặn vào mùa khô đồng hoang cỏ cháy, chó chạy lè lưỡi nên gọi là “cánh đồng chó ngáp”.
 
Trên cánh đồng chó ngáp
Cánh đồng xanh tươi đã thu hoạch tôm, chuẩn bị sạ lúa



Đường đi đến đó còn xa xôi diệu vợi, cách trở đò giang. Từ trung tâm huyện muốn đi thẳng chỉ có ngồi đò, nếu theo đường bộ phải vòng vèo rồi chuyển xe ôm, qua phà. Nhưng tới nơi, không còn cảm giác đây là vùng sâu vùng xa vì nhà cửa khang trang, con người chan hoà, vui vẻ.

Canh tác không lỗ

Ông Hồ Cảnh Sến, 64 tuổi ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, kể về cuộc sống của gia đình ông.

Trước đây rất nghèo, nhà lá, cơm không đủ ăn. Còn nay nhà xây cao rộng, vừa thu hoạch vụ tôm được 500 triệu đồng. Ông có 10 ha đất, thu hoạch tôm xong, mưa xuống đang rửa mặn, chuẩn bị sạ lúa để dịp Tết Nguyên đán là gặt, được chừng 300 triệu đồng nữa. “Năm nay tôm trúng mùa trúng giá, cũng có năm nuôi tôm chỉ được chừng 300 triệu đồng thôi”, ông Sến nói.

Vùng đất luân canh tôm - lúa phát huy được tiềm năng của thiên nhiên 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt (lợ). Trước kia nghèo vì cứ chạy theo “phong trào ngọt hoá” không có cây trồng, vật nuôi thích hợp. Nghèo đói quá, người dân mày mò đưa con tôm sú về nuôi quảng canh và thoát đói.

Cánh đồng năn, lác, lau sậy mịt mù trở thành ruộng tôm. Nhưng cũng chỉ được mấy năm vì độc canh con tôm, ô nhiễm tràn tới, cuộc sống lại đói nghèo như trước.

Rồi một vài nông dân trồng năn, lác trong ruộng nuôi tôm thì ô nhiễm giảm hẳn, nuôi tôm phục hồi. Từ trồng năn và lác, người dân thay bằng cây lúa Một bụi đỏ (chịu mặn đến 4 phần nghìn), thành công lớn hơn vì được cả tôm và lúa.

Ruộng tôm - lúa được đào mương rộng 3 - 4 m xung quanh để nuôi tôm. Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, khi gặt xong lúa, phơi khô gốc rạ chờ nước mặn tràn lên là mua tôm giống về thả nuôi. Đến giữa năm mưa xuống, có nước ngọt như dịp này, thu hoạch tôm xong, chuẩn bị sạ lúa để đến tết thu hoạch.

Nuôi tôm trên ruộng lúa như thế chỉ tốn tiền mua giống mà không tốn tiền thức ăn, không chạy quạt nước nên không tốn tiền điện. Trồng lúa cũng ít bón phân. Ông Sến tươi cười: “Luân canh tôm - lúa không lỗ, chỉ lời nhiều hay ít mà thôi”.

Nhiều nông dân ở ấp Chủ Chọt cũng giàu có như ông Sến. Ông Lương Văn Chanh, 60 tuổi, luân canh 6 ha tôm - lúa cho biết: “Tôi thu hoạch một năm được chừng 600 triệu đồng, cũng có năm chỉ được 200 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Hải, 59 tuổi, làm 3 ha tôm - lúa: “Tôi thì thu một năm được khoảng từ 200 - 400 triệu đồng”. Trưởng ấp Nguyễn Văn Ra, 27 tuổi, có vợ con đang ở chung với cha mẹ, làm 3 ha tôm -lúa: “Mỗi năm tôi chỉ thu được 100 - 200 triệu”...

Giàu sinh thái

Xã Ninh Thạnh Lợi A có hơn 2.000 hộ dân với 5.285 ha đất SX, tách ra từ xã Ninh Thạnh Lợi vào năm 2008, lúc đó hộ nghèo hơn 40%, hàng năm phải cứu đói. Nay hộ nghèo đã giảm 10 lần, năm 2013 xã thu ngân sách gần 3,3 tỷ đồng.

Luân canh tôm - lúa là quy trình canh tác sinh thái: Gốc rạ của cây lúa sinh ra nhiều phù du làm thức ăn cho tôm; còn sau vụ tôm thì phân tôm nuôi cây lúa. Hài hoà nên hạn chế dịch bệnh, canh tác tôm - lúa hầu như không phải sử dụng thuốc trừ sâu.

Các nông dân vui vẻ cho biết, vụ tôm sú còn thả thêm cua và các loại cá ở giữa ruộng; còn vụ lúa lại thả tôm càng xanh và các loại cá ở mương ven bờ, nên thu nhập thực tế cao hơn các con số vừa giới thiệu.

Nên giàu có ở vùng đất tôm - lúa là sự giàu có sinh thái, dưới nước muôn loài sinh sôi, trên bờ cây cối xanh tươi.

Dịp này, vừa thu hoạch tôm, đang rửa mặn để sạ lúa, cánh đồng rộng mênh mông một màu tươi mát và xôn xao cua cá, không bạc phếch rờn rợn như vùng nuôi tôm công nghiệp, hoặc oi ả như độc canh cây lúa. Con cũng người chan hoà trong cảnh ruộng vườn sung túc, nhà cửa khang trang.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A, anh Đào Quang Định mới 30 tuổi, một vợ một con, cũng có 6 ha tôm - lúa cho biết, xã có 5 ấp thì 4 ấp đã giàu đẹp như ấp Chủ Chọt, còn một ấp khá. Đặc biệt, xã đã được công nhận “vườn, nhà - xanh, sạch, đẹp” đầu tiên của huyện Hồng Dân.

Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A, ông Dư Hoàng Lục, giới thiệu những con số cụ thể của năm 2013: "Ngoài tôm sú hơn 1.600 tấn, lúa hơn 11.000 tấn, còn có 40 tấn tôm thẻ chân trắng, 354 tấn cua, 7 tấn cá chình, 5 tấn cá bống tượng, 170 ha tôm càng xanh và hơn 11.000 con cá sấu. Gia súc và gia cầm có hơn 7.000 con phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra”.

nguồn: nongnghiep.vn