Tri thức hóa nông dân mới là đích đến cuối cùng của nông thôn mới

Tri thức hóa nông dân mới là đích đến cuối cùng của nông thôn mới
Xuất thân là một kiến trúc sư, ông Lê Minh Hoan từng làm Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp. Hiện ông Lê Minh Hoan là UVTƯ Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Vốn không e ngại bày tỏ ý kiến, ông thường viết báo với bút danh… Xích Lô! Vì vậy, cuộc trò chuyện với ông cũng rất cởi mở và chân thành!
12-33-54_ong_le_minh_hon_1
Ông Lê Minh Hoan

Thưa ông! Sau 43 năm thống nhất đất nước, bằng quan sát và suy tư cá nhân, ông thấy vị trí của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong dòng chảy phát triển chung của đất nước như thế nào?

ĐBSCL với những điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã từng bước trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, thuỷ sản và trái cây. 

Vùng đồng bằng này không những là trụ cột an ninh lương thực quốc gia, mà còn là vùng xuất khẩu nông sản chủ lực. Do nhiều điều kiện tự nhiên và lịch sử, người dân sớm thích nghi với nền kinh tế thị trường. 30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười, khơi thông vùng tứ giác Long Xuyên, ngọt hoá bán đảo Cà Mau..., ĐBSCL đã trở thành điểm tựa về nông nghiệp của đất nước.

Nhiều mô hình đổi mới trong nông nghiệp cũng xuất phát sự đột phá, thậm chí là "xé rào" từ những nhà lãnh đạo tiền bối vùng đất này. Ngày nay, đi vào tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình như "cánh đồng lớn" liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh cũng sớm xuất hiện và trở thành mô hình được nhân rộng ra cả nước.

Có thể nói, trong giai đoạn nào ĐBSCL cũng đều có tác động lớn đến sự phát triển của TP.HCM và vùng trọng điểm phía Nam, cung ứng nguyên liệu đầu vào và nguồn lao động cho ngành công nghiệp.

Có ưu điểm vượt trội nào của miền Tây Nam bộ mà chúng ta chưa khai thác không?

Nông nghiệp các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ vẫn còn tiềm năng và dư địa phát triển. Khi chuyển tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, hậu cần logistic... đang cần các nhà đầu tư, nhà khoa học chung tay góp sức để tạo ra giá trị gia tăng vượt trội bằng tư duy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một nền nông nghiệp thông minh.

Đất đai trong vùng rộng lớn hơn so với cả nước sẽ là điều kiện thuận lợi để quy hoạch lại các ngành sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên nước. Bên cạnh đó, sự đa dạng hệ sinh thái và các tài nguyên bản địa cũng là lợi thế tạo sự khác biệt để du lịch ĐBSCL cất cánh nếu chủ trương liên kết vùng được hiện thực hoá.

Biểu tượng của Đồng Tháp là sen Tháp Mười. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy vẫn chưa đủ kích cầu du lịch. Ngoài nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch phát triển những sản phẩm du lịch như một ngành mũi nhọn mà vẫn giữ được bản sắc riêng?

Đồng Tháp sẽ chú trọng phát huy tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh công nghệ để tạo sự khác biệt trong phát triển du lịch. Kết hợp giá trị hữu hình, văn hoá vật thể với khai thác các giá trị vô hình, phi vật thể như lịch sử, văn hoá, con người trong định hướng phát triển du lịch.

Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp để vừa tạo ra giá trị thặng dư đồng thời phát triển cộng đồng hướng đến văn minh, nâng cao chất lượng nông nghiệp, nông thôn..

Nếu phải chỉ ra một trở ngại lớn nhất để ĐBSCL vươn lên, thì ông đề cập vấn đề gì?

Trở ngại lớn nhất chắc chắn là cơ sở hạ tầng, nhất là hệ giao thông và logistic. Dù có lợi thế về giao thông thuỷ với hệ thống sông ngòi chằng chịt, tuy nhiên hàng hoá, nông sản trong vùng chủ yếu tươi, yêu cầu về thời gian vận chuyển phải nhanh nên chưa thu hút được doanh nghiệp vận tải.

Đường sắt có ưu thế trong vận chuyển hàng hoá thì không có. Đến thời điểm này giao thông trong vùng vẫn duy nhất là đường bộ với nhiều nút thắt, điểm nghẽn do đầu tư không đồng bộ về cấp đường và tải trọng cầu.

Địa hình thấp, nền đất yếu làm cho suất đầu tư giao thông cao. Điểm yếu về hạ tầng làm kém sức thu hút nhà đầu tư đến ĐBSCL. Liên kết vùng để phân công vùng sản xuất, chế biến chưa thành hiện thực mặc dù đã có nhiều chủ trương, nghị quyết từ lâu.

Là người đứng đầu Đồng Tháp, ông từng nói “cả tỉnh đều đang khởi nghiệp”. Vậy xin ông chia sẻ, tỉnh ông chọn lĩnh vực gì để đột phá?

Bắt đầu từ sự nhất quán về khát vọng trở thành địa phương khởi nghiệp, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp. Xã hội hoá các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, các doanh nghiệp đi trước đóng vai trò cố vấn (mentor) cho doanh nghiệp bằng kiến thức, kinh nghiệm để thương mại hoá các sản phẩm khởi nghiệp.

Kết nối các ý tưởng và dự án khởi nghiệp đến các viện trường, chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp để hỗ trợ thêm thông tin về xu thế tiêu dùng, về giá trị và kỹ năng làm bao bì, nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ. Cuối cùng là khuyến khích người tiêu dùng địa phương ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp.

Cũng tiếp tục bàn về phát ngôn của ông. Ông nói với doanh nhân “hãy nhấc mông lên mà đi, và đi cùng nhau, đừng lủi thủi một mình. Làn sóng hội nhập đã lên đến ngực, đến cổ mà chúng ta chưa chuyển đúng mức là rất nguy hiểm”.

Theo ông, để chuyển động nhanh hơn trong xu hướng hội nhập, người Việt Nam cần trang bị thêm phẩm chất nào quan trọng?

Hãy thích nghi và linh hoạt, chủ động đón nhận và thích ứng sự thay đổi nhanh chóng về KH-CN, sự vận động của xã hội. Hãy tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại.

Cụ thể hơn, với tư cách một kiến trúc sư, ông có hài lòng về quy hoạch của Đồng Tháp nói riêng và của miền Tây Nam bộ nói chung?

Quy hoạch Đồng Tháp và miền Tây Nam bộ vẫn trùng lặp về ý tưởng, chưa tạo ra sự khác biệt phù hợp với đặc điểm miền sông nước.

muc-tieu-chung-vn-l-nng-co-doi-song-vt-cht-tinh-thn-cho-nguoi-dn151853563
Xây dựng NTM phải là tiến trình xây dựng "tinh thần người dân" (Ảnh minh họa)

Vì sao, thưa ông?

Vì chưa đưa các giá trị lịch sử, văn hoá vào các đồ án quy hoạch. Quy hoạch chưa được xây dựng trên những giá trị có tính lâu dài, chưa chú ý đến động lực để phát triển bền vững với tầm nhìn xa ba mươi hay năm mươi năm.

Đồng Tháp mang đầy đủ đặc điểm của ĐBSCL, từ địa bàn thuần nông đến địa bàn biên giới. Do vậy, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đồng Tháp có điều gì khiến ông trăn trở?

Xây dựng NTM nếu chỉ chú trọng phần cứng, phần hữu hình, như xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là khiếm khuyết. Xây dựng NTM phải là tiến trình xây dựng "tinh thần người dân", trong đó người dân phải biết tự lực và hợp tác với nhau. Người dân phải xem cộng đồng là của mình, mình có nghĩa vụ phải chung tay xây dựng, giũ gìn.

NTM phải là một môi trường hài hoà, thắm đậm tình làng nghĩa xóm, ý thức của người dân được nâng lên, cùng gánh vác vai trò làm chủ của mình. Tri thức hoá nông dân mới là đích đến cuối cùng của NTM.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Lê Thiếu Nhơn/Báo Nông Nghiệp.vn